Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn- Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y Tế

Archives for Tháng Tư 2019

Lễ bàn giao bác sỹ trẻ tình nguyện khóa 4 cho các huyện khó khăn

Chiều ngày 25/4/2019, Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức bàn giao 24 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp chuyên khoa I về công tác tại các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. 
TIN LIÊN QUAN

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Hiện bác sĩ ở tuyến huyện các tỉnh miền núi còn rất thiếu, cả về số lượng và chất lượng. Các chuyên khoa thiếu nhiều nhất là sản, nội, ngoại, hồi sức cấp cứu, nhi vv…Vì thế, Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện nhằm tăng cường bác sĩ có chuyên môn cao để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các vùng đặc biệt khó khăn. Đến 2020 sẽ đưa khoảng 300- 500 bác sĩ trẻ về các vùng khó khăn, giải quyết sự thiếu hụt về nhân lực, nâng cao chất lượng y tế, góp phần đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền, đồng thời giảm quá tải cho tuyến trên. Nhu cầu của các huyện nghèo cần khoảng 600 bác sĩ các chuyên khoa và sau 6 năm, Dự án đang đào tạo 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên khoa.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế phát biểu tại Lễ bàn giao


TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, giám đốc dự án phát biểu tại Lễ bàn giao

Theo TS. Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ (Bộ Y tế), các bác sĩ trẻ tình nguyện được lựa chọn từ những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, bác sĩ nội trú. Thời gian công tác tình nguyện là 3 năm với nam và 2 năm với nữ. Sau thời hạn trên, họ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện tuyến Trung ương, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo, sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện, Trung tâm y tế (TTYT) huyện nghèo.

GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ trẻ được Bộ Y tế xây dựng và thẩm định, trong đó, phần thực hành tay nghề chiếm 70%. Để các bác sĩ trẻ có thể chủ động làm tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện sau khi tốt nghiệp, Trường có chế độ đào tạo cho họ như bác sĩ nội trú, đồng thời, giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên.

GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao Bằng tốt nghiệp cho các bác sĩ trẻ

Vì thế, khi về cơ sở, các bác sĩ đã phát huy ngay được khả năng, cứu sống được nhiều người bệnh nguy kịch mà nếu phải chuyển tuyến sẽ không qua khỏi. Các bác sĩ đã làm được 56 kỹ thuật ngoại như cắt ruột thừa, u buồng trứng, mổ nội soi chửa ngoài tử cung; 53 kỹ thuật nhi, trong đó có các kỹ thuật cao như chọc dịch não tủy, nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh …; 62 kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh; 72 kỹ thuật sản; 37 kỹ thuật truyền nhiễm, 43 kỹ thuật nội v.v…

“Với sự có mặt của các bác sĩ tình nguyện, hiện TTYT huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, đã làm được nhiều kỹ thuật cao trong như lĩnh vực nội, sản, nhi chẩn đoán hình ành v.v…, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, chủ động trong cấp cứu người bệnh” – BS Nguyễn Văn Minh – Giám đốc TTYT huyện Điện Biên Đông cho biết.

Lãnh đạo Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức ký cam kết đào tạo các bác sĩ trẻ tình nguyện cho các vùng khó khăn

Trong số các bác sĩ trẻ tình nguyện, nhiều người tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong như bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (TTYT huyện Mường Nhé, Điện Biên) được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu 2017 và bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, Lào Cai) cũng là một trong 10 bác sĩ trẻ tiêu biểu năm 2018.

GS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức – đánh giá cao nỗ lực học hỏi của các bác sĩ trẻ về ngoại khoa, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, để có tay nghề vững vàng, chủ động và độc lập khám, chữa bệnh cho người dân. Sự cố gắng của các bác sĩ trẻ giúp cho bà con được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại các vùng khó khăn và nhiều người còn được cứu chữa kịp thời. Đây cũng là “phòng tuyến” giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên như Việt Đức.

“Là một địa chỉ uy tín, Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục đào tạo các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia Dự án bảo đảm chất lượng chuyên môn, để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn một cách hiệu quả” – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chỉ đạo.

Một số hình ảnh

Bộ Y tế đối thoại với bác sĩ trẻ tình nguyện thuộc Dự án 585 tại Trường Đại học Y Dược Huế

Ngày 17/4/2019, Đoàn công tác của Vụ Tổ chức cán bộ  đã có buổi làm việc với Trường Đại học Y Dược Huế về các nội dung liên quan đến dự án 585 và đào tạo cán bộ quản lý ngành Y tế tại Trường.

Tham dự đoàn công tác, về phía Vụ Tổ chức cán bộ có TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc dự án 585  cùng các đồng chí là Lãnh đạo, chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, Cục KHCN và Đào tạo,cán bộ dự án; về phía trường có PGS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó hiệu trưởng phụ trách trường, các đồng chí trong Ban giám hiệu, trưởng các khoa, phòng, ban, Bộ môn liên quan, đặc biệt có sự tham gia của 61 bác sỹ trẻ tham gia dự án đang đào tạo tại trường,các thầy cô hướng dẫn bác sỹ trẻ.

TS. Phạm Văn Tác, Ủy viên Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại buổi đối thoại

Tại buổi làm việc, Trường Đại học Y Dược Huế đã báo cáo tóm tắt hoạt động đào tạo bác sỹ trẻ khoá 6 và khoá 11 tại Trường. Nhà trường đã chủ động xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Bác sĩ chuyên khoa cấp I theo quy định, phù hợp với nhu cầu của các địa phương và yêu cầu của Ban chỉ đạo dự án. Đồng thời, cử cán bộ theo dõi, giúp đỡ các bác sĩ trẻ trong thời gian đào tạo; đánh giá đầy đủ kết quả học tập và thực hành của các bác sỹ tình nguyện; thường xuyên tổ chức giao ban giữa Ban giám hiệu, Khoa/Bộ môn, thầy cô hướng dẫn với các học viên.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó hiệu trưởng phụ trách trường phát biểu tại buổi đối thoại

Nhân dịp này, các học viên khoá 6 và khoá 11 cũng đã trực tiếp trao đổi, đặt câu hỏi và đã được giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, chế độ, chính sách.

Dự án 585 là dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo). Trường Đại học Y Dược Huế đã được Bộ Y tế lựa chọn là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho 29 học viên chuyên khoa cấp I – khóa 6 và 32 học viên chuyên khoa cấp I – khoá 11 ở các chuyên ngành khác nhau bao gồm: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh và Y học cổ truyền tại Trường Đại học Y Dược huế trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện. Cùng với kinh nghiệm giảng dạy lý thuyết và thực hành bệnh viện nhiều năm của đội ngũ thầy, cô giáo tại Trường; các học viên đã và đang được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng cầm tay chỉ việc đảm bảo đào tạo chất lượng cho các bác sĩ trẻ vững vàng chuyên môn, khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện.

Trước đó, Vụ Tổ chức cán bộ đã làm việc với Ban giám hiệu trường Đại học Y Dược Huế cùng các phòng ban có liên quan về kế hoạch mở lớp đào tạo cán bộ quản lý Ngành Y tế tại Huế và kế hoạch bàn giao, trao bằng tốt nghiệp chuyên khoa I cho các bác sỹ trẻ khóa 6 dự kiến vào tháng 9/2019. Sau buổi làm việc, hai bên đã cơ bản thống nhất được các nội dung liên quan đến hai hoạt động trên, đồng thời giao đầu mối triển khai hoạt động trong thời gian tới.

Đoàn công tác Vụ Tổ chức cán bộ làm việc với Lãnh đạo nhà trường về nội dung đào tạo cán bộ quản lý Ngành y tế và ban giao bác sỹ trẻ khóa 6

Trước buổi làm việc với Trường Đại học Y Dược Huế, vào đêm 16/4/2019, nhóm công tác của Vụ Tổ chức cán bộ do PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó giám đốc dự án 585 đã có buổi kiểm tra đột xuất công tác học tập của bác sỹ trẻ tại Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế. Qua đợt kiểm tra, theo ý kiến của các thầy cô trực tiếp hướng dẫn học viên cho thấy các bác sỹ trẻ dự án học tập hết sức nghiêm túc, chấp hành tốt nội quy, thời gian phân công trực của bộ môn, đồng thời không ngừng học tập, được các thầy cô và bạn bè đánh giá cao.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra công tác học tập của bác sỹ 585 tại Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế

Một số hình ảnh

 

Tận tâm cống hiến

Nguồn http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=419035
Sau nhiều năm triển khai, Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” (Dự án 585) đã viết nên những câu chuyện hết sức ý nghĩa về tấm lòng người thầy thuốc trẻ tại những huyện miền núi nghèo. Đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường đại học y – dược, tình nguyện tham gia dự án, những bác sĩ trẻ ấy đã trở thành “cầu nối” thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.

Biến khó khăn thành động lực

Là 1 trong 7 bác sĩ tình nguyện đầu tiên về công tác tại vùng cao, trong 2 năm công tác tại bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết cho biết, thời điểm ra trường năm 2014 cũng đúng dịp Bộ Y tế triển khai Dự án 585. Sau khi hỏi ý kiến người thân trong gia đình, chàng thanh niên trẻ ấy đã đăng ký tham gia dự án và lựa chọn cho mình con đường “lên núi” công tác. Sinh sống, làm việc tại đây, những khó khăn như môi trường làm việc, cơ sở vật chất thiếu thốn hơn so với bệnh viện tuyến trung ương, lượng bệnh nhân luôn đông đúc không ngăn được sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết của bác sĩ Quyết.


Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (phải) là người mổ chính của nhiều ca mổ ở bệnh viện
Đến thời điểm này, Dự án 585 đã tổ chức khai giảng 14 khóa bác sĩ chuyên khoa cấp I với số lượng 332 bác sĩ cho 82 huyện nghèo của 23 tỉnh thuộc 11 chuyên khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Truyền nhiễm và Răng hàm mặt. Dự án đã bàn giao 28 bác sĩ cho 18 huyện nghèo thuộc 10 tỉnh và chuẩn bị bàn giao các khóa tiếp theo.

Với vai trò là bác sĩ chuyên khoa I, chuyên ngành ngoại khoa, kể từ khi công tác tại huyện Bắc Hà, bác sĩ Quyết đã tham gia gần 800 ca mổ, trong đó có một số ca mổ nặng như đa chấn thương, vỡ tạng, rau bong non; trực cấp cứu và hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, sản khoa và nhi khoa. Nếu như trước đây, bệnh viện đa phần thực hiện kỹ thuật mổ truyền thống là mổ mở với vết thương dài, lâu bình phục thì đến nay nhờ chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, cùng nỗ lực của bác sĩ Quyết và bác sĩ nơi đây, bệnh viện đã thực hiện một số kỹ thuật vượt tuyến mổ nội soi như cắt ruột thừa, phẫu thuật cắt túi mật, khâu lỗ thủng dạ dày.

“Điều làm mình ấn tượng và ấm lòng nhất chính là tình cảm thân thiện của bệnh nhân đối với bác sĩ. Mỗi người bệnh mình tiếp xúc đều có những hoàn cảnh khó khăn riêng, có những người bệnh thậm chí không biết tiếng Kinh nhưng họ thể hiện sự tôn trọng và quý mến y bác sĩ theo những cách rất riêng. Đó là những món quà giản dị nhưng đầy ý nghĩa như gói chè cốm, gói bánh hay túi gạo. Không nhận họ lại không ưng cái bụng, nên mình đành nhận rồi chuyển cho nhà bếp nấu cháo từ thiện” –  Bác sĩ Chiến chia sẻ.

Những tình cảm mộc mạc ấy giúp các bác sĩ trẻ lên non vơi bớt nỗi nhọc nhằn, khó khăn. Với bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, tình nguyện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, Điện Biên cũng vậy. Với ngọn lửa nhiệt tình, tâm huyết và tinh thần tình nguyện cống hiến của tuổi trẻ, tháng 8.2017, Hiếu đã tình nguyện nhận nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn của tỉnh Ðiện Biên.

Mường Nhé là huyện nghèo, khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đa dạng về ngôn ngữ, phong tục nên bác sĩ Hiếu phải tự học hỏi, thích nghi để hiểu và có thể giao tiếp với bà con. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé còn thiếu về nhân lực nên bác sĩ luôn cố gắng làm việc cả nội khoa, nhi khoa, sơ sinh, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm… Ðể làm được những việc đó, Hiếu đều phải học tập, nghiên cứu và sử dụng thành thạo các loại máy móc, thiết bị kỹ thuật, nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác chẩn đoán, điều trị. Những vất vả, khó khăn đã giúp vị bác sĩ trẻ rèn luyện, trưởng thành trong công việc và luôn dốc sức cứu chữa bệnh nhân.

Đến nay, bác sỹ Hiếu đã thực hiện thành công hơn 700 ca mổ như mổ lấy thai, phẫu thuật cấp cứu chửa ngoài tử cung, cắt tử cung toàn phần. Trong đó, nhiều ca bệnh nặng như nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, viêm não, viêm màng não mủ, viêm phổi nặng, suy hô hấp, uốn ván sơ sinh, co giật trẻ em, chấn thương sọ não, tai biến, suy gan, suy thận… Ngoài ra bác sĩ còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp tại đơn vị công tác, trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, Điện Biên Toán Bình Việt nhận định, bác sĩ Hiếu là bác sĩ trẻ có nhiều sáng kiến trong khám, chữa bệnh; giao tiếp tốt với người bệnh và tận tình trong công việc. Nhờ vậy, luôn nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp và sự tin tưởng, yêu quý của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; từng bước giúp trung tâm tạo dựng niềm tin nơi người bệnh. Mới đây, bác sĩ Hiếu còn viết đơn xin tình nguyện được làm việc thêm 6 tháng nữa tại bệnh viện, để tiếp tục chữa bệnh cho người dân nơi đây.


Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu khám bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé

Sẽ ưu tiên đào tạo tại chỗ

Đánh giá về ý nghĩa của Dự án 585, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, dự án là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Triển khai tốt dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, Giám đốc dự án 585 Phạm Văn Tác cho biết, sau một thời gian thực hiện, Dự án được người dân và cơ sở y tế đánh giá cao về chất lượng của bác sĩ đào tạo. Theo đó, để bảo đảm cho những bác sĩ trẻ như Nguyễn Chiến Quyết, Nguyễn Văn Hiếu có thể tự tin “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, công tác đào tạo được xây dựng riêng theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “một kèm một”. Mỗi học viên được một giáo sư, chuyên gia đầu ngành kèm cặp, “huấn luyện” trong hai năm, nhằm tạo ra các bác sĩ trẻ giỏi tay nghề có thể “lên non” phục vụ người dân nơi đây.

Đến nay, nhìn chung, các bác sỹ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo, hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực, chuyển giao kỹ thuật; đồng thời tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến. Các bác sĩ lên huyện vùng cao công tác có người làm được 50 kỹ thuật, thậm chí 70 kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh…

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai Nguyễn Kim Phương nhận định, các bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu được tăng cường đã giúp điều trị ngay tại tuyến dưới nhiều bệnh với chuyên môn kỹ thuật cao như phẫu thuật xương, ổ bụng, tạng, nhi khoa… trong khi trước đây người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Mặc dù vậy, đây là trước mắt, sau 3 năm hết thời hạn, các bác sĩ lại trở về các bệnh viện đầu ngành Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Ðức… Ðể đạt hiệu quả hơn nữa, rất mong các bệnh viện Trung ương tiếp tục đào tạo bác sĩ tại chỗ để phục vụ lâu dài, nhất là về chuyên khoa tai mũi họng, gây mê hồi sức, ngoại sản. Hiện tại, ở các huyện vùng cao tỷ lệ bác sĩ trong lĩnh vực này vẫn còn thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Đồng tình với quan điểm đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần cho rằng, nếu như đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác thì chỉ 2 – 3 năm, các bác sĩ quay trở về Trung ương thì Mèo Vạc vẫn là Mèo Vạc, Hoàng Su Phì vẫn là Hoàng Su Phì, vì vậy, rất mong muốn Dự án hướng tới các bác sĩ ngay tại địa phương, để đầu tư bền vững hơn, vì họ đang sinh sống và làm việc ngay tại địa phương, có thể gắn bó lâu dài với bệnh viện.

Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Phạm Văn Tác khẳng định, đến năm 2020 dự án sẽ kết thúc, cho nên phải tìm nguồn lực khác để hỗ trợ. Biện pháp lâu dài vẫn là lấy người cơ sở làm gốc. Trước những đề xuất trên của tuyến y tế cơ sở về xét tuyển ưu tiên đối tượng liên thông tại các vùng sâu, vùng xa, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi đối với các đối tượng là người của địa phương có nguyện vọng, đủ sức học tập và đây sẽ là ưu tiên quan trọng.

(Theo Đỗ Quyên- báo đại biểu nhân dân)

Vinh danh 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu cống hiến hết mình vì người bệnh

Vinh danh 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu cống hiến hết mình vì người bệnh

Suckhoedoisong.vn – Các bác sĩ tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của ngành y tế, mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng điều trị, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, xứng đáng là những người thầy thuốc của nhân dân.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn/vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-n155596.html

TIN LIÊN QUAN

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2019-04-07/vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-nhan-ngay-suc-khoe-the-gioi-69826.aspx

https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-truong-y-te-keu-goi-thuc-hien-9-thoi-quen-bao-ve-suc-khoe-20190407172321294.htm

https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-truong-bo-y-te-9-viec-can-lam-moi-ngay-de-thay-doi-cuoc-song/805963.antd

https://www.vietnamplus.vn/di-bo-10000-buoc-chan-moi-ngay-van-dong-de-phong-chong-benh/562897.vnp

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động và Tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ VIII nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4/2019) diễn ra sáng 7/4 ở Hà Nội đã có 10 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu với nhiều cống hiến cho người bệnh được vinh danh.

Họ là những thầy thuốc trẻ có đóng góp to lớn với cộng đồng, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, tiên phong sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả lâm sàng, cải thiện quản lý chất lượng bệnh viện….

Theo ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu là hoạt động thường niên của Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, được tổ chức từ năm 2008 đến nay.

Năm 2019, với mục tiêu hướng đến y tế cơ sở, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và hưởng ứng Năm thanh niên tình nguyện, Hội đồng đã lựa chọn ra 10 gương mặt tiêu biểu, điển hình trong hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, nổi bật trong chuyên môn và nghiên cứu khoa học, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-1

10 gương mặt thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu được vinh danh lần này.

Là một trong 10 thầy thuốc trẻ được vinh danh lần này, ThS.BSCKI Nguyễn Chiến Quyết – Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ, những bác sĩ trẻ như anh sẽ cố gắng mang hết tâm huyết và sức lực để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con. Bác sĩ Quyết là một trong các bác sĩ đầu tiên tham gia dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo” của Bộ Y tế.

Tuy tuổi đời còn rất trẻ (SN 1989) nhưng trong thời gian công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà từ tháng 7/2017, bác sĩ Quyết đã tham gia hơn 700 ca mổ về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại nhi,… trong đó có các ca mổ cấp cứu nặng như chấn thương bụng, vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non, cấp cứu bé sơ sinh có trường hợp chỉ nặng 900g….

“Các bác sĩ trẻ luôn phát huy tính năng động sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật hiện đại, tiếp tục ra sức cứu chữa đem lại sức khoẻ, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, sẵn sàng đi bất kỳ nơi đâu mà nhân dân cần nhằm mục đích tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tăng cường y tế tuyến cơ sở, cả con người và vật chất, người dân có thể khám cao huyết áp và tiểu đường tại trạm y tế xã phường.

Nhiều thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, không nhận thù lao của bệnh nhân, có người còn giúp đỡ tiền để bệnh nhân nghèo chữa bệnh, có người còn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo…mặc dù chính thu nhập và cuộc sống của các thầy thuốc còn nhiều khó khăn”- BS. Quyết chia sẻ.

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-2

ThS.BSCKI Nguyễn Chiến Quyết chia sẻ tại lễ tuyên dương.

Toàn văn phát biểu của BS Nguyễn Chiến Quyết tại Lễ tuyên dương

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý, các thầy và các anh chị em đồng nghiệp.

Tôi là Nguyễn Chiến Quyết là bác sĩ chuyên khoa 1- chuyên ngành Ngoại khoa, một trong các bác sĩ đầu tiên tham gia dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo” của Bộ Y tế, hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Hôm nay trong không khí trang trọng của buổi lễ tuyên dương các thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2018, hưởng ứng ngày sức khỏe thế giới, tôi rất vinh dự được thay mặt các thầy thuốc trẻ – những người không chỉ vinh dự được khoác trên mình tấm áo Blouse đầy ý nghĩa, để khẳng định trách nhiệm nghề nghiệp đầy tự hào của chính mình mà còn là vinh dự được là thế hệ kế tiếp của những bậc thầy thuốc tiền bối dùng cả cuộc đời thầm lặng để cống hiến cho công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần vào sự nghiệp Cách mạng cao cả của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thay mặt cho toàn thể các thầy thuốc trẻ xin gửi đến các quý vị đại biểu, những người thầy, những anh chị em đồng nghiệp kính mến những lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Kính thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý, các thầy và anh chị em đồng nghiệp. Là những thanh niên ngành y tế, vừa mặc trên người chiếc áo xanh tình nguyện và khoác ra ngoài là áo blouse trắng, là sự kết hợp của tuổi trẻ, nhiệt huyết và chuyên môn. Chúng tôi luôn noi gương các thế hệ thầy thuốc năm xưa những người đã nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có hàng trăm cán bộ y tế đã hy sinh cho ngày độc lập. Trong thời đại hoà bình hiện nay, chúng tôi luôn phát huy tính năng động sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật hiện đại, tiếp tục ra sức cứu chữa đem lại sức khoẻ, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời để đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe làm sao để mọi người dân cả nông thôn và thành thị đều được hưởng những dịch vụ y tế như nhau, chúng tôi phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, sẵn sàng đi bất kỳ nơi đâu mà nhân dân cần nhằm mục đích tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tăng cường y tế tuyến cơ sở, cả con người và vật chất, để người dân có thể khám cao huyết áp và tiểu đường tại trạm y tế xã phường. Nhiều thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, không nhận thù lao của bệnh nhân, có người còn giúp đỡ tiền để bệnh nhân nghèo chữa bệnh, có người còn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo…mặc dù chính thu nhập và cuộc sống của các thầy thuốc còn nhiều khó khăn.

Trong thực tế, ở đâu đó còn có người than phiền về y đức của những thầy thuốc, về sự tắc trách thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó, nhưng đó chỉ là con số ít, không thể làm phai mờ những gì mà những người thầy thuốc trong ngành y tế đã cống hiến.

Về phía chúng tôi, những thầy thuốc trẻ xin hứa sẽ luôn nỗ lực đóng góp sức mình trong công cuộc khám điều trị bệnh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phải xác định rằng: người bệnh khi đến với chúng ta rất cần người thầy thuốc có chuyên môn tốt để được chữa khỏi bệnh và cũng rất cần sự sẻ chia, chăm sóc, ân cần động viên của thầy thuốc. Vì vậy, các thầy thuốc trẻ phải tập cho mình những câu nói thân thiện, ánh mắt cảm thông, thể hiện mình thật lòng mong chữa khỏi cho người bệnh, khi đó sẽ tạo niềm tin cho người bệnh, họ sẽ hợp tác, tuân thủ điều trị một cách tốt nhất. Và khi thầy thuốc tận tâm khám và chăm sóc người bệnh, cũng sẽ theo dõi tốt tiến triển của bệnh để xử trí kịp thời chính xác, không để sót bệnh, nâng cao tỉ lệ thành công trong điều trị.

Tuy nhiên, để phát triển Y tế thì chỉ những nỗ lực của những người thầy thuốc là chưa đủ, chúng tôi rất mong được sự thấu hiểu, chia sẻ từ nhiều phía:

– Về phía các lãnh đạo, chúng tôi mong muốn có chính sách để đảm bảo về tinh thần và vật chất cho nhân viên y tế. Tuổi trẻ là muốn đóng góp, muốn cống hiến cho xã hội, cho ngành nghề mình đã chọn, nhưng tuổi trẻ cũng muốn được nhìn nhận công sức của mình, được khẳng đinh mình để tự tin với cuộc đời, để được sống tốt với con đường mình đã chọn.

– Về phía người bệnh, mong có ai đó khi vào bệnh viện cảm thấy khó chịu vì gặp những y, bác sỹ quá tiết kiệm lời nói, thiếu niềm nở , thì đừng vội  nghĩ  không hay rồi suy diễn thế  này thế nọ về người thầy thuốc. Nếu cũng đặt vào hoàn cảnh của thầy thuốc, phải liên tục tiếp cận và xử lý với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, nhiều thứ bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người thầy thuốc, thì mới cảm thông được. Hàng ngày, hàng giờ, các y, bác sỹ phải tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, những máu, mủ với đủ thứ vi trùng, vi rút… Vậy mà, khi vào ca trực là các y, bác sỹ sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả…có thầy thuốc còn bị hành hung khi đang làm việc, có người còn bị lây nhiễm bệnh từ chính bệnh nhân của mình. Vì sức khoẻ và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho con người.

Các thầy thuốc trẻ chúng tôi mong được sự chung tay ủng hộ giúp đỡ của toàn xã hội, để có thể thực hiện các mục tiêu của chương trình sức khỏe Việt Nam- vì một Việt Nam khỏe mạnh, như thông điệp của ngày sức khỏe thế giới “cho mọi người, ở mọi nơi”.

Trong thâm tâm mỗi người thầy thuốc luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” để luôn nghĩ suy, học tập và tu dưỡng, tận tụy hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong hiện tại và tương lai.

Thay mặt cho các thầy thuốc trẻ, tôi xin bày tỏ những tâm tư trên đây xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, các thầy, các anh chị em đồng nghiệp luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bác sĩ Quyết cũng bày tỏ mong muốn có chính sách để đảm bảo về tinh thần và vật chất cho nhân viên y tế. Về phía người bệnh, hi vọng người dân có thể hiểu và chia sẻ với những khó khăn của thầy thuốc. Hàng ngày, hàng giờ, các y, bác sĩ phải tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, những máu, mủ với đủ thứ vi trùng, vi rút…

Bà Trương Thị Mai – Trưởng Ban Dân vận Trung ương chúc mừng 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu 2018

Vậy mà, khi vào ca trực là các y, bác sĩ sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… có thầy thuốc còn bị hành hung khi đang làm việc, có người còn bị lây nhiễm bệnh từ chính bệnh nhân của mình. Vì sức khoẻ và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho con người.

Người dân hào hứng với khám bệnh miễn phí

Tại sự kiện này, hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân cũng đã được triển khai. Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã đến khu vực tượng đài Lý Thái Tổ bên cạnh Hồ Gươm để được các bác sĩ trung ương khám và tư vấn bệnh.

Trong đợt khám lần này, 4 bệnh viện gồm: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tổ chức khám phát hiện các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường), sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bằng các trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay.

Người dân tham gia khám sàng lọc được tư vấn, chụp X-quang phổi miễn phí, xét nghiệm tiểu đường, đo phân tích huyết áp và khám sàng lọc ung thư; cũngnhư được tặng các phần quà của nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, để hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”, Viện Huyết học truyền máu Trung ương cùng các tình nguyện viên cũng tổ chức vận động hiến máu, góp phần quyết định đảm bảo cung cấp kịp thời máu và các chế phẩm máu an toàn cho cấp cứu và điều trị.

Bác Nguyễn Văn Ánh, 54 tuổi (Hàng Bài, Hà Nội) cho biết, bác thường xuyên theo dõi đường máu và huyết áp của mình nhưng biết được thông tin ngày hội khám, tư vấn miễn phí, bác vẫn đến đây để được nghe các bác sĩ tư vấn trực tiếp cho mình. “Các bác sĩ hướng dẫn rất nhiệt tình, tư vấn chế độ sinh hoạt, ăn uống như thế nào để có thể kiểm soát được đường huyết và huyết áp cho tôi. Tôi thấy đây là chương trình rất ý nghĩa cho người dân…”.

Một số hình ảnh PV suckhoedoisong.vn ghi lại tại ngày hội sáng nay:

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-3

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-4

Khu vực hiến máu…

 

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-5

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-6

Khu vực khám hô hấp của BV Phổi Trung ương.

 

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-7

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-8

Khu vực khám tim mạch.

 

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-9

Bác sĩ BV K Trung ương khám tầm soát ung thư vú cho người dân.

vinh-danh-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-cong-hien-het-minh-vi-nguoi-benh-10

Người dân thử đường huyết tại khu vực khám của BV Nội tiết Trung ương.

 

10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu được vinh danh gồm:1. ThS. BSCKI Nguyễn Chiến Quyết, Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà, tỉnh Lào Cai;

2. TS. BS Đào Văn Tú, Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, Phó trưởng khoa Điều trị theo Yêu cầu, Bệnh viện K;

3. ThS. BS Phan Hoàng Hiệp, Trưởng khoa điều trị kỹ thuật cao – Bệnh viện Nội tiết Trung ương;

4. TS. BS Trần Khánh Thu, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng ủy, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bí thư Đoàn thanh niên bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Phó bí thư Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh Thái Bình;

5. BSCKI YHGĐ Trương Vũ Phong, Bí thư chi bộ y tế, Trưởng trạm Y tế xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau;

6. ThS. BS Nguyễn Trọng Sơn, Trưởng phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội;

7. ThS. DS Trương Văn Đạt, Bí thư Đoàn Thanh niên, Giảng viên Khoa Dược trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh;

8. ThS. BS Phạm Thế Thạch, Bí thư chi Đoàn, Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai;

9. PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng phụ trách Hợp tác quốc tế, Nghiên cứu khoa học và hậu cần, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trưởng phòng khám Đa khoa, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trưởng bộ môn Y học gia đình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch;

10. BSCKI Khuất Thanh Bình, Phó Giám đốc kiêm trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Chủ tịch CĐCS Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu.

Lê Nguyên

Bác sĩ về huyện nghèo, bệnh nhi hạn chế ‘ở 7 ngày, uống kháng sinh’

TTO – Từ ngày có bác sĩ trẻ tình nguyện, bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Ba Bể không còn nhất thiết phải uống kháng sinh, điều trị ở bệnh viện 7 ngày như trước. Đã có hơn 300 bác sĩ như vậy tình nguyện đến nhiều vùng miền khó khăn trong cả nước.

Bác sĩ Tuấn khám cho bệnh nhi ở Trung tâm Y tế huyện Ba Bể, Bắc Kạn. Đã có hơn 300 bác sĩ tình nguyện đi làm việc ở vùng sâu trong hai năm qua – Ảnh: L.ANH

Thấy con trai 5 tuổi bị sốt cao, chị Triệu Thị Quan ở xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn đưa con đến Trạm y tế xã, bác sĩ ở đó nói chị chuyển con lên huyện. Tại đây, con chị đỡ sốt, chỉ còn hơi đau bụng. Cháu ăn lại được khiến chị thấy yên tâm.

Bác sĩ điều trị cho con chị Quan là Phạm Văn Tuấn, bác sĩ của Bệnh viện nhi T.Ư đang tham gia dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu vùng xa. Tuấn đã ở Ba Bể được một năm rưỡi và theo chương trình, anh sẽ ở đây 3 năm.

Ở tỉnh Bắc Kạn này, Tuấn là một trong hai bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia chương trình. Hồi anh mới lên, Trung tâm Y tế huyện Ba Bể chưa có bác sĩ nhi, khoa nội và nhi là khoa chung. Giờ thì ở đây có khoa nhi riêng, ngoài bác sĩ Tuấn có thêm hai bác sĩ trẻ mới về, đang được đào tạo thêm về nhi khoa.

“Trước đây bệnh nhi vào viện cứ thấy sốt là được chẩn đoán viêm họng, được tiêm kháng sinh, đúng 7 ngày là ra viện. Hồi tôi mới lên, có cháu khỏi bệnh rồi nhưng gia đình thấy chưa nằm viện đủ 7 ngày là chưa ra vì quen thói quen cũ. Giờ thì các bác sĩ đã có thói quen hội chẩn khi thấy ca khó. Các trường hợp bệnh khó được chuyển viện hợp lý, và một năm rưỡi nay không có bệnh nhi nào tử vong tại viện” – bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Một năm rưỡi tham gia một chương trình tình nguyện nguyện, bác sĩ Tuấn và các đồng nghiệp ở Ba Bể đã thực hiện nhiều kỹ thuật y khoa mới tại tuyến huyện để cấp cứu trẻ sơ sinh, điều trị trẻ vàng da, cho trẻ thở máy thở khi cần…. Họ cũng tham gia bình bệnh án, sinh hoạt chuyên môn theo tiêu chí “nhận định đúng, đánh giá đúng và chuyển tuyến đúng”.

Theo ông Phạm Văn Tác, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, giám đốc dự án bác sĩ trẻ tình nguyện, nhờ có các bác sĩ tình nguyện, rất nhiều ca bệnh khó đã được xử trí kịp thời. Nếu không, do đường sá đi lại khó khăn, nhiều người bệnh không thể kịp chuyển lên tuyến trên.

“Nhờ có bác sĩ trẻ tình nguyện, ở Pác Nặm, Bắc Kạn đã nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, chỉ nặng xấp xỉ 1kg. Từ Pác Nặm sang Ba Bể chỉ hơn 30km nhưng đi mất 1 giờ đồng hồ. Nếu không có bác sĩ tại chỗ sẽ rất khó”- ông Tác cho biết.

Theo ông, trong hơn hai năm thực hiện dự án, đã có trên 300 bác sĩ trẻ tình nguyện đến làm việc ở các huyện nghèo nhất nước. Rất nhiều huyện nghèo mới thực hiện được mổ đẻ, và các kỹ thuật y khoa mới từ khi có bác sĩ tình nguyện.

Theo ông Tác, các bác sĩ đầu tiên tham gia dự án sẽ tình nguyện làm việc thêm tại huyện nghèo trong 6 tháng, sau khi hết chương trình (2 năm với bác sĩ nữ và 3 năm với bác sĩ nam), trước khi quay lại bệnh viện họ đang công tác.

Trong lúc đó, bệnh viện huyện nghèo sẽ đào tạo bác sĩ để thay thế vị trí của bác sĩ tình nguyện. Như Trung tâm Y tế huyện Ba Bể hiện có 4 bác sĩ đang đi học, 2 bác sĩ đang theo học về nhi khoa với bác sĩ Tuấn.

Bản quyền thuộc về Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y Tế. All rights reserved - Thiết kế web giá rẻ Minh Dương
phòng marketing thuê ngoài | báo giá dịch vụ seo