Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn- Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y Tế

Archives for 2018

Toàn văn phát biểu của TS. Phạm Văn Tác, Ủy viên Ban cán sự, Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Trưởng Ban giám khảo Hội thi chung kết toàn quốc Y tế cơ sở giỏi 2018

PHÁT BIỂU CỦA TRƯỞNG BAN GIÁM KHẢO HỘI THI CHUNG KẾT TOÀN QUỐC Y TÊ CƠ SỞ GIỎI NĂM 2018

(TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ)

                             Ngày 30/10/2018 tại Nhà hát Chèo Hà Nội

Kính thưa:

  • Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế;
  • Đồng chí Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Y tế Cơ sở giỏi năm 2018;
  • Các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc của Bộ Y tế, lãnh đạo các Sở Y tế; Đ/c Chủ tịch công đoàn ngành y tế VN;
  • Các thành viên Ban giám khảo;
  • Các thí sinh của 6 đội thi xuất sắc đến từ Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Bạc Liêu.
  • Các phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
  • Quý vị đại biểu.

Lời đầu tiên thay mặt BGK tôi xin chúc mừng sáu đội thi đã hoàn thành xuất sắc vòng thi của mình với 3 phần thi đầy khó khăn trong hội thi chung kết toàn quốc Y tế cơ sở giỏi năm 2018 do Bộ Y tế tổ chức.

Thay mặt Ban Giám khảo (BGK) tôi xin tóm tắt nhận xét tổng kết vòng thi chung khảo ngày hôm nay như sau:

Trước tiên, Ban Giám khảo, nhiều quý vị đại biểu và khán giả có mặt hôm nay tại đây thực sự xúc động được cảm thụ cán bộ y tế tuyến cơ sở của chúng ta rất tài năng, nhiệt huyết, chắc chắn về kiến thức chuyên môn và có một tinh thần yêu nghề y say đắm. Tất cả những điều đó được thể hiện đầy đủ trong từng lời ca, tiếng hát, từng nội dung thi của các bạn và đã làm quên đi sự nhọc nhằn vất vả của mỗi cán bộ y tế vì sức khoẻ của nhân dân tại cộng đồng.

Trong phần thi Chào hỏi, các đội đã mang đến những nét văn hóa đặc sắc hơi ấm của miền quê địa phương mình đang sống, từ trang phục, cho đến những làn điệu dân ca hát xoan Phú Thọ linh thiêng nơi các Vua Hùng dựng nước, điệu hò ví giặm của miền Trung anh dũng kiên cường,  đờn ca tài tử và dọng hát cải lương của miền Sông nước Cửu Long thấm đậm tình quê hương; tất cả đã tạo nên những không gian văn hóa  đậm đã bản sắc dân tộc. Trong không khí ấy, các đội đã làm toả sáng lên  được những thành tích nổi bật của y tế cơ sở tại địa phương mình; nơi gần dân nhất, yêu quý mọi người dân mà phục vụ sức khoẻ cho nhân dân tốt nhất.

Tôi thực sự có ấn tượng mạnh với phần thi của đội thi của tỉnh Hà Tĩnh, Yên Bái, với nội dung đầy đủ phong phú; Nghệ thuật biểu diễn rất chuyên nghiệp và xúc động; Trang phục đẹp, ưu nhìn và có rất nhiều sáng tạo.

Với phần thi Kiến thức, các đội thi đã cho thấy họ là người nắm chắc nhất về những nhiệm vụ của y tế tuyến cơ sở, những kiến thức chuyên môn y học, đặc biệt khi trả lời các câu hỏi tự luận, một số đội đã dãi bầy được những thách thức, khó khăn, những vướng mắc mà cán bộ Y tế tuyến cơ sở phải đối mặt hàng ngày trong công việc. Điều đó đã đem lại những gợi ý sâu sắc từ thực tiễn phong phú để BYT suy nghĩ xây dựng ban hành các chính sách phù hợp nhằm giúp y tế cơ sở phát triển vững chắc,  thực sự là nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam đã được khẳng định tại Nghị quyết số 20,21 của BCH TƯ Đảng lần thứ 6/khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và công tác dân số trong tình hình mới, với mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập  quốc tế.

Phần thi Tiểu phẩm tài năng, đã đem lại cho cả Hội thi ngày hôm nay những cảm xúc đặc biệt, nhất là khi các thí sinh với tài năng ca hát và diễn xuất của mình (một số đội tự biên kịch và dàn dựng) đã xây dựng lên những tiểu phẩm đi vào lòng mọi người. Nội dung sân khấu hoá các bạn đã phân tích, lột tả được những vấn đề đang rất nóng trong xã hội như vấn đề hành hung cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ, những vấn đề phòng chống dịch bệnh là then chốt của ngành y tế. Các tác phẩm đã nêu bật vai trò của cán bộ y tế cơ sở trong việc giúp người dân bài trừ những hủ tục lạc hậu ảnh hưởng tới sức khoẻ, những thói quen có hại cho sức khỏe. Các bạn là những bằng chứng sống về người cán bộ y tế cơ sở không chỉ biết làm chuyên môn giỏi mà thông qua tài năng của mình còn biết tuyên truyền vận động người dân thay đổi hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng.

Tôi có ấn tượng mạnh với tiểu phẩm “Chuyện nhà A Quẩn” của đoàn Yên Bái; “Kháng sinh bạo lực” của đoàn Phú Thọ, “Chỉ còn gang tấc” của đoàn Nghệ An. Nội dung phong phú; Nghệ thuật biểu diễn ấn tượng đi vào lòng người; Trang phục chuẩn bị kỹ lưỡng và đẹp; Tính sáng tạo rất cao; Kết thúc mỗi tiểu phẩm đầu rất rõ ràng, có “hậu” và rất nhân văn, lay động lòng người như hình ảnh Bác sỹ Tân của đoàn Nghệ An.

Thay mặt Ban Giám khảo tôi đánh giá rất cao và ngưỡng mộ tất cả các bạn trong Hội thi chung kết toàn quốc Y tế cơ sở giỏi năm 2018 ngày hôm nay. Tất cả các bạn đều là người chiến thắng, những chàng trai, cô gái y tế cơ sở vừa hồng, vừa chuyên. Tất cả các bạn, các đội thi hôm nay đều đẹp như những bông hoa trong vườn hoa đẹp của Bác Hồ kính yêu. Nếu có đi chăng nữa thì đó chỉ là bông hoa đẹp hơn một chút mà thôi.

Ban Tổ chức sẽ công bố kết quả chính thức của cuộc thi, thay mặt BGK một lần nữa chúng tôi xin chúc mừng thành công tuyệt vời của 6 đội dự thi ngày hôm nay. Chúc các đồng nghiệp sức khỏe, hạnh phúc, luôn luôn chứa chan nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao cả để làm tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tuyến y tế cơ sở, tuyến đầu tiên, người chiến sỹ áo trắng trong lĩnh vực y tế cơ sở của tuyến gác cổng trong hệ thống y tế Việt Nam.

 

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khoẻ tất cả Quý vị/

 

Chung kết Cuộc thi Y tế cơ sở giỏi năm 2018

Sáng nay (30/10), Bộ Y tế tổ chức Chung kết “Cuộc thi Y tế cơ sở giỏi năm 2018” tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội.
 
TIN LIÊN QUAN

Tham dự và chỉ đạo cuộc thi có GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Trưởng Ban  giám khảo, cùng với các đồng chí lãnh đạo Vụ, Cục, Tổng cục, Đảng ủy Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các lãnh đạo và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế và đặc biệt là sự có mặt của các thành viên 6 đội thi và các cổ động viên.

Trải qua 3 vòng thi Chung khảo khu vực: Trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Cuộc thi đã lựa chọn được các đội thi y tế cơ sở giỏi xuất sắc thuộc 6 tỉnh/thành phố: Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Bạc Liêu tham dự Chung kết Cuộc thi tại Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại Cuộc thi, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Cuộc thi Y tế cơ sở giỏi năm nay là một trong các hoạt động, nhiệm vụ của Ngành Y tế nhằm triển khai tốt Nghị quyết số 20 và 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII nhằm kêu gọi các cấp, các ngành và mọi người dân tích cực ủng hộ, tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án của Ngành Y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng. Có thể nói, Cuộc thi đã tôn vinh vẻ đẹp tri thức, trí tuệ, tài năng, y đức, phong cách phục vụ của cán bộ y tế. Từ đó, giúp tăng cường nhận thức, hiểu biết của cán bộ y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo sân chơi giao lưu học hỏi, bổ ích cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, đẩy mạnh phong trào học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng thực hành, khả năng giao tiếp, chăm sóc người bệnh của cán bộ y tế cơ sở”.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi chung kết

Các đội thi tham gia Chung kết “Cuộc thi Y tế cơ sở giỏi năm 2018” đã trải qua ba phần thi là Màn chào hỏi, Kiến thức và Tài năng. Với hình thức thể hiện sinh động, độc đáo như slogan, tranh, ảnh…, các phần thi đã truyền tải các thông điệp chăm sóc sức khỏe nhân dân rõ ràng, đầy đủ và chính xác. Bên cạnh đó, các đội đã lựa chọn trang phục truyền thống tiêu biểu cho vùng miền, dân tộc và trang phục ngành y. Đặc biệt, những nét văn hóa của từng vùng miền thông qua những câu dân ca quan họ, hát xoan, ví dặm, đờn ca tài tử, cải lương,… đầy da diết, sâu lắng được các đội thi thể hiện xuất sắc, lồng ghép tài tình trong các màn chào hỏi và phần thi tài năng.

TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Trưởng ban Giám khảo phát biểu tại cuộc thi

(Chi tiết bài phát biểu xem  tại đây)

Các đội thi đã thể hiện xuất sắc phần thi kiến thức gồm những câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận về các quy định chức năng nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân xoay quanh các lĩnh vực: Chức năng và nhiệm vụ của cán bộ y tế cơ sở; Quản lý bệnh không lây nhiễm; Phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS; Công tác tiêm chủng mở rộng; Chăm sóc bà mẹ mang thai và kế hoạch hóa gia đình; Bác sĩ gia đình và những liên hệ thực tế, giải quyết tình huống cụ thể.

Tài năng diễn xuất của các diễn viên không chuyên được thể hiện thông qua tiểu phẩm mà 6 Đội thi Y tế cơ sở giỏi mang đến Chung kết Cuộc thi đã đề cập nội dung nổi bật về nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở – đội ngũ y tế gần dân, sát dân nhất với những nhiệm vụ quan trọng trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và khám chữa bệnh cho người dân, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của những người “gác cổng” trong hệ thống y tế.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thành viên Ban giám khảo nhận xét phần thi của các đội.

Tiểu phẩm “Kháng sinh bạo lực” của Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Phú Thọ phản ánh thực trạng nhức nhối ngày càng gia tăng trong xã hội đó là vấn nạn hành hung, tấn công y bác sĩ khi mà họ đang thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh cứu người cao đẹp, phản ứng chủ động và nhân văn cử các thầy thuốc đối với vấn đề này.

Tiểu phẩm “Chuyện nhà A Quẩn” của Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Yên Bái đề cập tư tưởng trọng nam khinh nữ, người chồng chỉ muốn vợ sinh con trai nên quyết định nếu thai nhi được siêm âm là con gái thì sẽ phá bỏ. Cán bộ y tế cơ sở kiên nhẫn thuyết phục, giải thích để người chồng hiểu việc lựa chọn giới tính thai nhi là vi phạm pháp luật và quan trọng là nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Tiểu phẩm “Chỉ còn gang tấc” của Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Nghệ An là thông điệp về thực trạng còn tồn tại ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa là trọng nam, khinh nữ và hủ tục mời thầy mo cúng khi ốm đau. Người chồng mong muốn có con trai nhưng vợ lại mang thai con gái nên bắt vợ đi phá thai khiến vợ bị thủng tử cung, băng huyết. Một nhân viên y tế đã tình nguyện hiến máu của chính mình để cứu bệnh nhân đúng lúc người vợ báo tin con của anh đang bị tai nạn, anh phải nhờ nhân viên y tế Khá đến nhà đưa con đi cấp cứu còn mình ở lại bệnh viện để truyền máu cho người bệnh.

Tiểu phẩm “Đừng để quá muộn” của Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Bạc Liêu với nội dung truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá, nguyên nhân gây ra những căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư gan, tim mạch, vô sinh,… không chỉ đối với người hút thuốc mà cả người hút thuốc lá thụ động cũng bị ảnh hưởng gây ra bi kịch cho nhiều gia đình. Đây là thông điệp sinh động về truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.

Tiểu phẩm “Chung sức làm nên” của Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Cần Thơ đề cập đến thái độ chủ quan của một số người dân trong phòng bệnh và còn là thông điệp tuyên truyền phòng bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết, Zika và cách hướng dẫn, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà ở, cách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, đó cũng là trách nhiệm của toàn xã hội.

hứ trưởng Phạm Lê Tuấn và TS Phạm Văn Tác trao giải nhất cho đội Hà Tĩnh

Tiểu phẩm “Tiêm chủng vì sức khỏe cộng đồng” của Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Hà Tĩnh phản ánh thực trạng một bộ phận người dân nhận thức không đúng về hiệu quả của tiêm chủng vắc xin phòng bệnh và vai trò của đội ngũ y tế cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ và đúng lịch các mũi vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để trẻ em được bảo vệ và phát triển toàn diện.

Ban Giám khảo đánh giá cao các đội thi đã mang đến Cuộc thi những màn chào hỏi, những tiểu phẩm đặc sắc, nội dung có ý nghĩa nhân văn sâu sắc qua được sân khấu hóa tài tình, sáng tạo để chuyển tải các thông điệp về vai trò của đội ngũ y tế cơ sở trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Kết quả Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao:

– Giải Nhất trị giá 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng): Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Hà Tĩnh

– Giải Nhì trị giá giải Nhì 10.000.000đ (Mười triệu đồng): Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Nghệ An

– 02 Giải Ba trị giá 7.000.000đ/giải (Bảy triệu đồng): Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Cần Thơ và Phú Thọ

– 02 Giải khuyến khích trị giá 5.000.000đ/giải (Năm triệu đồng): Đội thi Y tế cơ sở giỏi tỉnh Bạc Liêu và Yên Bái

Các giải ấn tượng như:

1. Màn chào hỏi hay nhất: Hà Tĩnh

2. Tiểu phẩm hay nhất: Nghệ An

3. Trang phục đẹp nhất: Yên Bái

4. Diễn viên nam/nữ xuất sắc nhất: Nam- trao cho ông Đoàn Thanh Lâm (Bạc Liêu), Nữ- trao cho 03 diễn viên: bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, bà Trần Ngọc Xuân Huyên, bà Cao Thị Lắm (Cần Thơ)

Một số hình ảnh của buổi chung kết

Những câu chuyện xúc động “Bác sỹ trẻ tình nguyện vùng cao

Những khúc cua tay áo, gập ghềnh dẫn tới các huyện vùng núi xa xôi của tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng với nhiều người đi du lịch còn thấy ngại, thế mà không cản được những bước chân, trái tim tình nguyện đầy nhiệt huyết của những cô gái tuổi đôi mươi.

Hành trang là chiếc blouse trắng, ba nữ bác sỹ trẻ ấy nguyện dành những ngày tháng tươi đẹp nhất để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở huyện Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Hà Quảng…

BA LẦN XIN ĐI TÌNH NGUYỆN

Đã hơn 9 tháng kể từ khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Thu Hồng (sinh năm 1990) không còn lạ lẫm gì với những con người, phong tục ở mảnh đất vùng cao này. Cô có thể giao tiếp, nói được tiếng dân tộc (Mông) ở mức cơ bản với người dân Mèo Vạc.

Hành trình về quê của cô bác sỹ trẻ này khá gian nan, từ bệnh viện về đến nhà mất khoảng 15-18 giờ đồng hồ đi xe khách với 2 chặng: Mèo Vạc – Hà Giang (150km) và chặng Hà Giang – Ninh Bình (400km).

Xa xôi, khó khăn là thế nhưng Hồng không nản lòng. “Em suy nghĩ đơn giản là tuổi trẻ đi càng nhiều càng tốt. Đi và trải nghiệm cuộc sống, lại có thể đem một phần sức nhỏ bé của mình giúp cho vùng cao thì càng ý nghĩa và không bao giờ cảm thấy hối tiếc,” Hồng chia sẻ.

Em suy nghĩ đơn giản là tuổi trẻ đi càng nhiều càng tốt. Đi và trải nghiệm cuộc sống, lại có thể đem một phần sức nhỏ bé của mình giúp cho vùng cao thì càng ý nghĩa và không bao giờ cảm thấy hối tiếc,” Hồng chia sẻ.

Rồi cô bảo rằng, người dân vùng cao điều kiện vệ sinh kém, kiến thức về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Có cháu chỉ một cái mụn nhỏ nhưng gia đình bé không biết chăm sóc, không đến viện sớm, để đến mức nhiễm khuẩn huyết mới tới viện. Có một số trường hợp mới 29 tuổi đã xơ gan, khối u gan 15cm, di căn phổi… Đó là những thực trạng đáng buồn khiến cô gái trẻ ấy cứ day dứt mãi.

“Đồng bào vùng cao rất khổ, để đi được đến viện đã là cả một hành trình khi đường vừa xa, vừa xấu (có chỗ cách viện 50-60km). Do đó, nếu thấy bệnh nhẹ, họ ở nhà rồi đến khi không chịu được nữa mới đến viện thì đã quá nặng, vượt quá khả năng của bệnh viện. Nhiều khi bác sỹ cho chuyển tuyến thì bệnh nhân lại không đồng ý đi vì không biết tiếng Kinh, không có tiền. Chính vì vậy, tuyến y tế cơ sở được tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là những thuận lợi vững chắc để người dân được hưởng những dịch vụ tốt gần họ,” Hồng tâm sự.

Bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Thu Hồng siêu âm cho người dân tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi được hỏi vì sao tham gia Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, Hồng kể, từ khi còn học năm thứ 6 đại học, cô đã đăng ký tham gia dự án hai lần. Tuy nhiên, cả 2 lần đăng ký đó Hồng đều không nhận được phản hồi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Hồng được nhận biên chế và về làm lâm sàng ở bệnh viện đa khoa tỉnh hơn một năm rồi tiếp tục đăng ký học chuyên khoa 1 và học đúng chuyên ngành yêu thích là Chẩn đoán hình ảnh.

Trong quá trình học, Hồng đã liên hệ với giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc để hiểu hơn về bệnh tật ở địa phương cũng như chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng bệnh viện mong muốn được triển khai. Từ đó, cô tập trung học kỹ thuật, thậm chí tự bỏ tiền để học thêm với kỳ vọng có thể làm được thật nhiều cho bà con.

Trong quá trình học chuyên khoa 1, Hồng đã liên hệ với giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc để hiểu hơn về bệnh tật ở địa phương cũng như chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng bệnh viện mong muốn được triển khai. Từ đó, cô tập trung học kỹ thuật, thậm chí tự bỏ tiền để học thêm với kỳ vọng có thể làm được thật nhiều cho bà con.

Sau khi về Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc công tác, bác sỹ Hồng được ban giám đốc sắp xếp chỗ ở ngay trong bệnh viện để có thể thuận tiện thường trú 24/24, thăm khám bệnh nhân bất cứ lúc nào.

Về chuyên môn, bác sỹ Hồng đã thực hiện được gần 120 kỹ thuật, phân tuyến kỹ thuật và theo chương trình đào tạo. Đặc biệt, bác sỹ Hồng đã chuyển giao cho đơn vị 8 kỹ thuật gồm siêu âm thóp, siêu âm khớp (khớp vai, khuỷu, cổ tay,háng,…), siêu âm mạch 2, lấy dị vật trong cơ dưới hướng dẫn siêu âm, chọc dịch khớp khối dưới hướng dẫn siêu âm…

“NGƯỜI DÂN SỐNG ĐƯỢC THÌ MÌNH CŨNG CÔNG TÁC ĐƯỢC”

Tháng 1/2018, sau khi tốt nghiệp chuyên khoa I tại trường Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Nội khoa, bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Thu (ở Hà Nội) lên nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng (Cao Bằng), bắt đầu “một hành trình” hoàn toàn mới – hai năm công tác tại một huyện miền núi.

Thu chia sẻ, cô lựa chọn tham gia dự án vì đây là cơ hội để những bác sỹ trẻ mới ra trường như mình được học tập được mang sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng cao.

“Trước khi lên vùng cao, em cũng nghe nói nhiều khó khăn sẽ chờ đợi trước mắt, những em thiết nghĩ, người dân sống được thì mình cũng công tác được,” bác sỹ Thu cười.

“Trước khi lên vùng cao, em cũng nghe nói nhiều khó khăn sẽ chờ đợi trước mắt, những em thiết nghĩ, người dân sống được thì mình cũng công tác được,” bác sỹ Thu cười.

Lúc chưa đi tình nguyện Thu cũng đã lên Hà Quảng. Đường đi từ Hà Nội lên Hà Quảng xa và có khó khăn nhưng vẫn không bằng quãng đường đường đi về các thôn bản.
Thu kể, ngay những ngày đầu khi nhận công tác, có dịp đi đón bệnh nhân vào các bản xa mới cảm nhận được phần nào đó điều kiện giao thông với người dân ở các huyện vùng núi còn quá nhiều khó khăn. Có những bệnh nhân người nhà phải dùng cáng khiêng qua một quả đồi mới đến được nơi ôtô cứu thương đỗ.

Em mong muốn có nhiều bác sỹ trẻ như em đi tình nguyện và bản thân các bác sỹ tại vùng khó khăn được tạo điều kiện đi học, bệnh viện được hỗ trợ thêm về kinh phí, thuốc men…

“Hai năm là quãng thời gian khá ngắn nhưng em nguyện hết sức mình để bệnh nhân không phải chuyển tuyến đi lại khó khăn, một số ca bệnh trong tình trạng nặng nguy kịch sẽ cứu chữa được kịp thời. Em mong muốn có nhiều bác sỹ trẻ như em đi tình nguyện và bản thân các bác sỹ tại vùng khó khăn được tạo điều kiện đi học, bệnh viện được hỗ trợ thêm về kinh phí, thuốc men…,” bác sỹ Thu tỏ lòng.
Bác sỹ Mã Văn Quý – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng chia sẻ, từ ngày về công tác, cùng với các bác sỹ của bệnh viện, Nguyễn Thị Thu đã thực hiện được 43 kỹ thuật chuyên môn của tuyến huyện, trong đó chuyển giao cho các bác sỹ của bệnh viện 10 kỹ thuật như khám, chẩn đoán và điều trị hen phế quản, bệnh phù phổi cấp, bệnh suy tim, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường, bướu cổ, cường giáp, thalasemia…

TẠO TIỀN LỆ TRONG CHỮA BỆNH VIÊM MÀNG NÃO MỦ

Nhắc tới huyện Hoàng Su Phì, nhiều người sẽ nghĩ tới đây là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, luôn nằm trong danh sách điểm đến lý tưởng của các phượt thủ nhờ vẻ đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp, cung đường hiểm trở thu hút những tay lái ưa cảm giác mạnh, để khám phá bản làng và những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ.

Đây cũng là nơi mà Bùi Thị Tặng (sinh năm 1990) – một bác sỹ chuyên khoa nội, bệnh truyền nhiễm – đã trở nên gần gũi với người dân của mảnh đất miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Bác sỹ Lèng Thị Hương – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoàng Su Phì (Tỉnh Hà Giang) kể, từ khi bệnh viện tiếp nhận bác sỹ Bùi Thị Tặng từ dự án bác sỹ trẻ, nơi đây như được tiếp thêm một nguồn sức mạnh mới. Bởi với người dân, chỉ cần nghe thấy là bác sỹ từ Hà Nội, từ Trung ương về đây làm việc là tin tưởng và phấn khởi.

Bởi với người dân, chỉ cần nghe thấy là bác sỹ từ Hà Nội, từ Trung ương về đây làm việc là tin tưởng và phấn khởi.

“Tôi phải tìm và chờ bằng được để bác sỹ trẻ từ bệnh viện Trung ương mới khám cho tôi. Qua mấy tháng, giờ tôi chỉ tin tưởng vào bác sỹ Tặng thôi,” bác sỹ Hương dẫn chứng lời của một bệnh nhân khó tính mỗi lần tới viện khám.

Theo lời chị Hương, Tặng là bác sỹ trẻ, nhiệt tình khi về địa phương công tác. Hầu như ngày nào Tặng cũng làm việc đến 7 giờ tối mới về nhà. Đặc biệt, Tặng có chuyên môn khá vững về bệnh truyền nhiễm và đã xử lý tốt nhiều ca bệnh như viêm màng não tại cơ sở. Trước kia, những bệnh nhân nặng hay các loại bệnh mà bệnh viện chưa xử lý được sẽ phải chuyển về bệnh viện tỉnh với quãng đường đi khó khăn, phải mất tới 4-4,5 giờ đồng hồ, rất tốn kém và vất vả.

Nhớ lại trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não đầu tiên được chữa khỏi thành công tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoàng Su Phì, bác sỹ Tặng cho hay, đó là bệnh nhân Lù Văn Khúm, 57 tuổi, được điều trị từ 19/5 đến đầu tháng 6 thì ra viện.

Sau lần đầu tiên ấy, công tác điều trị bệnh nhân viêm màng não tại viện đã trở thành thường quy và dễ dàng hơn.

“Khi em tiếp nhận khám và chẩn đoán được bệnh nhân bị viêm màng não mủ, tiến hành theo dõi điều trị có diễn biến lâm sàng tốt hơn, đỡ sốt, đỡ đau đầu. Đợt điều trị kéo dài 12 ngày, bệnh nhân ổn định và được ra viện. Đây là bệnh nhân viêm màng não mủ được điều trị thành công đầu tiên ở đây, trước đó mọi người rất băn khoăn về phác đồ em đưa ra, điều trị với kháng sinh quá cao,” bác sỹ Tặng kể lại.

Sau lần đầu tiên ấy, công tác điều trị bệnh nhân viêm màng não tại viện đã trở thành thường quy và dễ dàng hơn.

Bác sỹ Tặng bày tỏ, bệnh viện hiện vẫn còn nhiều khó khăn về trang thiết bị, kỹ thuật xét nghiệm, thuốc điều trị. Vì vậy tuyến y tế cơ sở vùng cao này mong muốn được đầu tư hơn nữa bởi có những bệnh lý cần sự thay đổi khi bệnh nhân diễn biến thì không được đáp ứng đầy đủ.

Những năm qua, tuyến y tế cơ sở ở vùng cao đã và đang được bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Họ là những bác sỹ trẻ thuộc dự án Đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.

Cho đến nay, 14 bác sỹ trẻ của Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo (Dự án 585) đã lên công tác tại các huyện khó khăn của tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Sơn La…
Chia tay tôi, các cô gái trẻ đều bảo rằng sẽ nỗ lực hơn nữa để có thể giúp được người dân nơi đây nhiều hơn để không phụ tấm lòng của người dân đã tin vào mình cũng như lời thề Hippocrates lúc nào cũng thường trực trong trái tim đầy khát vọng…/.

Đảm bảo y tế công bằng, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: TTXVN)

Muốn bao phủ y tế toàn dân, phải gỡ nút thắt về nhân lực

TIN LIÊN QUAN

http://nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/37998302-muon-bao-phu-y-te-toan-dan-phai-go-nut-that-ve-nhan-luc.html?fbclid=IwAR33yO586M3Jp2dxBa4iTa03JfpTymyQlqzS2-T8JS05MyIhIScSdON2_Ts

Một bác sĩ trẻ đang thăm khám cho hai mẹ con người dân tộc Thái ở huyện nghèo Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Nguyễn Khánh/Ngân hàng thế giới).

NDĐT – Năm 1978, khi mới sinh ra, tôi chỉ nặng 2,5 kg như phần lớn trẻ em sinh ra trong thời kỳ kiệt quệ sau chiến tranh. Một người họ hàng của tôi chết ở tuổi 40 vì bệnh lao. Ông tôi, một lang y, rất buồn vì không thể dùng thảo dược để chữa trị căn bệnh thuộc tứ chứng nan y này, trong khi bác sĩ và thuốc chống lao lại không sẵn có ở tuyến xã. Bố mẹ tôi quyết định rời nông thôn ra Hà Nội với mong ước rằng bọn trẻ con chúng tôi có thể tiếp cận với hệ thống y tế tốt hơn.

Nhưng ngay cả ở thủ đô thời ấy, giới tinh hoa y học vẫn còn mơ hồ về y tế cơ sở và không khỏi ngạc nhiên khi Tổ chức Y tế Thế giới ra tuyên bố ở Alma Ata (thủ đô Kazahhstan) kêu gọi các nước bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tất cả mọi người.

Năm 1998, khi hai mươi tuổi, cùng các bạn sinh viên y, tôi háo hức đi thực tập tại một trạm y tế xã ở vùng nông thôn. Lúc này, chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được đưa vào giảng dạy trong trường đại học y. Các giáo sư nói rằng chúng tôi là thế hệ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo để tăng cường cho y tế cơ sở. Việt Nam đã có khoảng năm bác sĩ trên một vạn dân nhưng hơn 75% số xã không có bác sĩ phục vụ. Thành thực mà nói thì không có nhiều sinh viên tốt nghiệp trường y lựa chọn công việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, vì thế, những khó khăn về nhân lực cho y tế cơ sở còn tồn tại dai dẳng.

Năm 2018, bốn mươi năm sau tuyến bố Alma Ata của Tổ chức Y tế thế giới, tôi vui mừng nhận thấy tất cả chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước luôn kiên định với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Nghị quyết số 20 NQ/TƯ của Ban Chấp hành T.Ư Đảng cộng sản Việt Nam đề ra nhiệm vụ đổi mới y tế cơ sở và phát triển y học gia đình, một chuyên ngành mới trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới với mục tiêu nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho từng người dân trên địa bàn một cách toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép.

Tôi hiểu rằng nhân lực chính là nút thắt hiểm hóc nhất trên đường tiến tới bao phủ y tế toàn dân ở Việt Nam. Đất nước hiện có tám bác sĩ trên một vạn dân nhưng phần lớn tập trung ở thành thị, nơi 35% dân số sinh sống. Mạng lưới y tế cơ sở ở 62 huyện nghèo nhất còn thiếu 600 bác sĩ, dẫn đến hơn 30% số trạm y tế xã chưa có bác sĩ phục vụ.

Ở các trạm y tế xã, nhân viên y tế hiện nay không đủ năng lực để cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản như sàng lọc và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và quản lý các bệnh không lây nhiễm phổ biến (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư v.v). Hậu quả là người bệnh bỏ qua tuyến y tế cơ sở đi thẳng lên tuyến trên ngay cả khi mắc các bệnh thông thường, khiến cho các bệnh viện Trung ương và tỉnh bị quá tải. Trong khi đó, các trường y vẫn đang định hướng nguồn nhân lực y tế tương lai vào chăm sóc chuyên sâu thay vì chăm sóc sức khỏe ban đầu với các giáo trình cổ điển dựa vào bệnh viện.

Vì thế, tôi hào hứng chung tay cùng các đồng nghiệp ở Bộ Y tế, Ngân hàng thế giới và Liên minh châu Âu triển khai dự án Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách y tế (gọi tắt là dự án HPET), nhằm tăng cường cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Một hợp phần của dự án đang đào tạo và đưa thêm bác sĩ giỏi về phục vụ người nghèo ở những vùng khó khăn.

Thông qua sáng kiến “bác sĩ trẻ tình nguyện”, Bộ Y tế có thể bổ sung cho hệ thống y tế cơ sở tại 62 huyện nghèo nhất nước ít nhất 300 bác sĩ trình độ cao. Họ là những người trẻ tình nguyện làm việc ở những vùng khó khăn trong vòng 2-3 năm sau khi hoàn thành một khóa đào tạo chuyên khoa và theo một hợp đồng lao động với cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương. Một hợp phần khác của dự án đang nâng cao năng lực khám chữa bệnh của đội ngũ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở theo các nguyên lý y học gia đình. Bộ Y tế hy vọng hàng nghìn đội chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trạm y tế xã sẽ cải thiện được năng lực và điều kiện làm việc, cho phép họ cung cấp dịch vụ y tế lồng ghép, toàn diện và liên tục cho người dân ở 15 tỉnh, phần lớn là các tỉnh nghèo ở miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Năm 2038, khi tôi sáu mươi, tôi mong muốn sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở ở gần nhà. Tôi ước mình và gia đình sẽ nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe lồng ghép, toàn diện và liên tục từ đội ngũ cán bộ y tế mà chúng tôi đang đầu tư ngày hôm nay. Bao phủ y tế toàn dân một cách có hiệu quả, không kể khoảng cách địa lý và điều kiện kinh tế, từng là giấc mơ của thế hệ cha ông trước kia. Thế hệ chúng tôi sẽ vượt qua nút thắt về nhân lực để biến ước mơ đó thành hiện thực.

(LÊ MINH SANG- WB)

Đào tạo bác sĩ trẻ về vùng khó khăn – Cần giải pháp bền vững

Chinhphu.vn) – Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện nay, tại 62 huyện nghèo của cả nước, đang thiếu khoảng 600 bác sĩ, Bộ Y tế đang triển khai dự án đào tạo bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại những này và đang có những hiệu quả bước đầu.

Cả huyện không có bác sĩ chính quy!

Bác sỹ Vũ Trọng Thành, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện tại bệnh viện đang có 8 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ cử tuyển và 6 bác sĩ chuyên tu. Các kỹ thuật mà bệnh viện đang triển khai như mổ lấy thai lần đầu, cắt u nang buồng trứng, nối gân và những phẫu thuật nhỏ. Bệnh viện cũng đã có máy gây mê kèm thở, máy mổ nội soi nhưng chưa có người sử dụng, vì có 2 bác sĩ đang đi học chuyên khoa.

Chính vì vậy, BS Vũ Trọng Thành chia sẻ, nhu cầu bác sĩ ở đây rất cấp thiết. Tuy nhiên, theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo (Dự án 585) của Bộ Y tế, tiêu chí chọn bác sĩ được đào tạo chuyên khoa I theo hình thức cầm tay chỉ việc “1 thầy 1 trò” là phải tốt nghiệp bác sĩ chính quy. Nhưng tại huyện Lâm Bình hiện nay không có một bác sĩ chính quy nào.

BSCK I Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc BVĐK Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cũng cho biết, việc lo lắng bác sĩ chuyên tu sau khi được đào tạo chuyên khoa I theo Dự án không làm được việc là không đúng, vì thực tế nhiều người có tâm huyết, họ làm rất tốt và đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân ngay tại địa phương.

Hiện tại, BVĐK huyện Mèo Vạc đang có một bác sĩ trẻ đã được tuyển dụng từ bệnh viện Trung ương, đến công tác theo Dự án 585. Tuy nhiên, thời gian công tác tại đây của bác sĩ quá ngắn, chỉ 2 năm (đối với bác sĩ nữ). Như vậy, sau 2 năm – khi mới bắt đầu quen dần ngôn ngữ, các mặt bệnh…thì bác sĩ trẻ lại trở về Trung ương.

Trên phạm vi cả tỉnh Hà Giang, Giám đốc Sở Y tế Lương Đức Thuần cho hay hiện có 34 bác sĩ được đi đào tạo theo dự án này, nhưng mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu.

“Nếu như đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác thì chỉ 2-3 năm, các bác sĩ quay trở về Trung ương thì Mèo Vạc vẫn là Mèo Vạc, Hoàng Su Phì vẫn là Hoàng Su Phì, vì vậy, Sở Y tế tỉnh rất mong muốn Dự án hướng tới các bác sĩ ngay tại địa phương, để đầu tư bền vững hơn, vì họ đang sinh sống và làm việc ngay tại địa phương, có thể gắn bó lâu dài với bệnh viện,”, ông Lương Đức Thuần chia sẻ.

Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện thuộc nhiều huyện khó khăn, đều băn khoăn, sau khi đào tạo xongcác bác sĩ sẽ lần lượt xin thôi việc để về tỉnh hoặc về Trung ương công tác.

Tìm cách “giữ chân” bác sĩ

Ông Vũ Mạnh Hà, Bí thư huyện ủy Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết, các bác sĩ về huyện công tác, sau đó xin về tỉnh và Trung ương rất nhiều, vì vậy bệnh viện Đa khoa huyện luôn thiếu bác sĩ và hạn chế về chất lượng. Cần phải có giải pháp căn cơ để “giữ chân” các bác sĩ ở lại công tác.

Bí thư huyện ủy Hoàng Su Phì đồng tình với kiến nghị nên tập trung đào tạo bác sĩ ngay tại địa phương và việc đào tạo cần dựa vào điều kiện của từng vùng, từng địa phương, như vậy, sẽ không bị “chảy máu chất xám”.

“Lĩnh vực y tế là lĩnh vực giữ người khó nhất. Đặc biệt, công tác an sinh mà không tốt thì càng dễ chảy máu chất xám”, ông Vũ Mạnh Hà nói.

BSCK I Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc BVĐK Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng kiến nghị, nếu mở rộng đối tượng tham gia Dự án là các bác sĩ của địa phương, ngành Y tế cũng cần có chế độ ưu đãi ngành và phụ cấp cơ sở cho các bác sĩ địa phương để họ yên tâm công tác lâu dài.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế kiêm Giám đốc Dự án 585 cho biết, Hoàng Su Phì và Mèo Vạc… là những huyện khó khăn, ngay cả đường đi cũng đã khiến người dân rất vất vả. Nếu vận chuyển bệnh nhân trên đường ra đến tỉnh, thì tỷ lệ tử vong rất cao. Như ở huyện Mường Nhé, tỉnh  Lai Châu, cố gắng lắm, khi chuyển bệnh nhân ra tỉnh chỉ cứu được 40%, còn 60% là tử vong trên đường đi.

Chính vì vậy, việc đào tạo “nhân lực tại chỗ” để phục vụ người dân là rất quan trọng. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các bệnh viện, vì có những cái không thể tuyệt đối, đúng là có những bác sĩ chuyên tu cũng rất giỏi chuyên môn. Dự án sẽ xem xét lại tiêu chí này trong thời gian tới, khi đó sẽ chọn các bác sĩ chuyên tu xuất sắc để đào tạo, ông Phạm Văn Tác chia sẻ.

Đoàn công tác Vụ Tổ chức cán bộ làm việc với Ngành Y tế các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang

Từ ngày 24 đến 26 tháng 9 năm 2018, Đoàn công tác của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế do TS. Phạm Văn Tác, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cùng các đồng chí chuyên viên đã có đợt làm việc với Sở Y tế, một số huyện nghèo các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Tiếp đoàn tại Hà Giang, có Ông  Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế; lãnh đạo các phòng, ban thuộc Sở Y tế; đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh; đại diện Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.

TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế Hà Giang

Tại buổi làm việc, Đoàn đã được nghe Giám đốc Sở Y tế báo cáo về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc ngành Y tế, cụ thể: Thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh. Sở Y tế đã chủ động rà soát, tham mưu kiện toàn về tổ chức bộ máy của ngành theo đúng quy định và phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, đảm bảo tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đảm bảo và vượt tiến độ thời gian thực hiện. Trong năm 2018, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị Trung tâm tuyến tỉnh. Về tuyến huyện, Sở Y tế đã hoàn thiện đề án về sáp nhập Trung tâm Dân số – KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện, thành phố thành Trung tâm Y tế huyện và đã trình cấp trên, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2018; đã xây dựng dự thảo Đề án rà soát, sắp xếp tổ chức lại Phòng khám đa khoa khu vực theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương…Trong thời gian tới Sở Y tế sẽ sắp xếp và tổ chức lại các phòng thuộc Sở Y tế… Về kết quả triển khai thực hiện Đề án 585 của Bộ Y tế, “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn”.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại buổi làm việc

Đã có 34 bác sỹ trẻ tham gia dự án tại các đơn vị Y tế huyện nghèo tỉnh Hà Giang. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Hà Giang đào tạo bác sỹ chuyên khoa I thuộc các chuyên ngành cho 17 bác sỹ trẻ hiện đang công tác tại 7 huyện nghèo của tỉnh theo Đề án 585 của Bộ Y tế…

Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế ghi nhận những kết quả ngành Y tế Hà Giang đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đánh giá cao sự quan tâm của UBND tỉnh, sự phối hợp tham gia của Ban tổ chức – Nội vụ tỉnh Hà Giang trong công tác hoàn thiện các Đề án tinh gọn bộ máy hoạt động một số đơn vị. Đồng chí đề nghị ngành Y tế Hà Giang tiếp tục quan tâm về công tác tổ chức cán bộ, khuyến khích chủ trương xây dựng bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh. Đối với Đề án 585, đoàn sẽ tổng hợp ý kiến và xem xét về đối tượng đào tạo và yêu cầu khẩn trương bổ sung danh sách các bác sỹ đăng ký học chuyên khoa cấp I đủ điều kiện theo quy định của Đề án để khai giảng trong thời gian sớm nhất.

Trước đó đoàn công tác đã thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì, đánh giá hoạt động của bác sỹ trẻ tại huyện

TS Phạm Văn Tác, Ủy viên Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại buổi làm việc với BVĐK khu vực Hoàng Su Phì

 

TS. Phạm Văn Tác tặng quà cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại BVĐK Hoàng Su Phì và Xín Mần

Bác sỹ trẻ Bùi Thị Tặng, viên chức Bệnh viện nhiệt đới trung ương đang công tác tại Bệnh viện Hoàng Su Phì phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 26/9/2018, đoàn công tác tiếp tục làm việc với Ngành Y tế Tuyên Quang. về phía Sở Y tế ông Đào Duy Quyết, giám đốc Sở, các ông bà là lãnh đạo các Phòng chức năng trực thuộc Sở, lãnh đạo các huyện nghèo tham gia dự án

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe lãnh đạo Sở Y tế, các huyện nghèo báo cáo về việc sắp xếp tổ chức ngành  Y tế Tuyên Quang, đồng thời báo cáo việc triển khai một số nội dung liên quan đến đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng  tới sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở y tế, và việc rà soát các bác sỹ đủ điều kiện tham gia dự án 585 tại các huyện nghèo.

 

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại Sở Y tế Tuyên Quang

VTV1- Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công

VTV.vn – Theo lãnh đạo các bệnh viện, việc tự chủ đã giúp các cơ sở y tế có cơ hội tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao, phù hợp với từng vị trí việc làm.

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, cả nước có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị này so với giai đoạn 2011 – 2015.

Thực tế cho thấy, chuyển sang cơ chế tự chủ không chỉ giúp các đơn vị phát huy nội lực, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn giảm được đáng kể gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tập thể Cấp Ủy, Lãnh đạo, ban chấp hành công đoàn Vụ Tổ chức cán bộ tặng quà cho cán bộ trước nghỉ chế độ

Sẽ nhân rộng mô hình đưa bác sĩ về huyện nghèo

Chinhphu.vn) – Sau khi được đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, các bác sĩ trẻ thuộc Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585) sẽ nhận nhiệm vụ trong thời gian 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam. Hiện 14 bác sĩ đã nhận nhiệm vụ tại nơi công tác là những huyện nghèo thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc

.

TS. Phạm Văn Tác thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK Hà Quảng

Ông Phạm Văn Tác: Theo kế hoạch, đến năm 2020, dự án thí điểm này sẽ hoàn thành đào tạo 300 bác sĩ trẻ. Đến nay, dự án đã và đang đào tạo 210 bác sĩ chuyên khoa I. Đây là những bác sĩ đã tốt nghiệp loại khá, giỏi từ các trường Đại học đào tạo ngành y trên cả nước.Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, Giám đốc Dự án 585 về những nhận định hiệu quả ban đầu khi triển khai Dự án.

Dự án 585 đặt mục tiêu đến 2020, sẽ có khoảng 300 – 500 bác sĩ trẻ sau khi được đào tạo bác sĩ chuyên khoa I sẽ về công tác tại các vùng khó khăn trên cả nước. Xin ông cho biết, đến thời điểm này, dự án đã tuyển chọn và đào tạo được bao nhiêu bác sĩ?

Trong tháng 9 tới, dự án sẽ tiếp tục khai giảng khóa đào tạo mới với khoảng 60 bác sĩ trẻ với các chuyên ngành đang có nhu cầu cao như chẩn đoán hình ảnh, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, ngoại…

Mục tiêu của dự án là đào tạo 300 bác sĩ trẻ nhưng sẽ không dừng ở đó, vì các huyện nghèo vẫn rất cần bác sĩ có chuyên môn cao và đây mới là dự án thí điểm. Dự án có sự hỗ trợ từ tổ chức WB. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nghĩ cách khác, như huy động cộng đồng, thậm chí là đầu tư trực tiếp cho từng bác sĩ về huyện nghèo.

Được biết, có 14 bác sĩ trong dự án đã nhận nhiệm vụ tại các huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn… thời gian đã gần 1 năm, xin ông chia sẻ những đánh giá ban đầu về các bác sĩ trẻ?

Ông Phạm Văn Tác: Tính từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, khóa đào tạo bác sĩ trẻ đầu tiên về công tác tại vùng khó khăn đã có thời gian hơn 1 năm, khóa thứ 2 đã công tác khoảng 7 tháng. Đa số các bác sĩ trẻ đã thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn tại tuyến huyện, có bạn đã thực hiện được 60-70 kỹ thuật, trong khi trước đây, có một số huyện chỉ làm được 30 đến 40 kỹ thuật. Từ khi những bác sĩ trẻ này về công tác, họ đã “thắp lửa” cùng những đồng nghiệp nơi họ công tác “bắt tay” thực hiện được rất nhiều kỹ thuật.

Tôi đánh giá cao tinh thần của các bác sĩ trẻ và đánh giá cao các kỹ thuật mà các em đã làm. So với tất cả các hình thức khác sau đại học, thì chuyên khoa 1 đào tạo theo hình thức 1 thầy – 1 trò của dự án này vẫn là tự hào nhất, để từ đó các em rất tự tin và chân thật trong công việc.

Điều quan trọng nhất vẫn là đánh giá từ những người dân. Điều này thể hiện ngay hiệu quả từ những con số về lượt khám, điều trị nội trú tại các bệnh viện huyện nghèo – nơi các em công tác đang tăng lên đáng kể. Các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp huyện cũng đánh giá rất cao. Mặc dù thời gian chưa dài, nhưng các em đang làm rất tốt.

Trong số các bác sĩ trẻ được đào tạo bác sĩ chuyên khoa I theo dự án, tỷ lệ bác sĩ đã được các bệnh viện Trung ương tuyển dụng trước đó về công tác tại huyện nghèo với bác sĩ do chính các bệnh viện huyện nghèo giới thiệu được đào tạo chuyên khoa I như thế nào?

Ông Phạm Văn Tác: Các bác sĩ trẻ từ Trung ương về công tác tại huyện nghèo chiếm gần 40%, còn lại là các bác sĩ từ tuyến cơ sở. Với 14 bác sĩ đã công tác tại huyện nghèo đều là các bác sĩ từ tuyến Trung ương, các lớp đào tạo sau này chủ yếu là tuyến cơ sở.

Như vậy, sau khi hoàn thành khóa học bác sĩ chuyên khoa I, các bác sĩ ở tuyến cơ sở sẽ quay trở lại công tác tại bệnh huyện nên sẽ có tính bền vững rất cao. Người dân không phải lo lắng rằng bác sĩ Trung ương chỉ công tác 2-3 năm là hết nhiệm vụ, khi đó đã có những bác sĩ “tại chỗ” được đào tạo bài bản về công tác tại quê nhà.

Thực tế các bệnh viện tuyến huyện chia sẻ, họ có rất ít bác sĩ chính quy, thậm chí có bệnh viện nhiều năm nay không tuyển được bác sĩ chính quy, nhưng theo dự án, có tiêu chí phải là bác sĩ chính quy mới được đề xuất đi học đào tạo chuyên khoa I, điều này gây khó khăn cho các bệnh viện huyện nghèo, ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ông Phạm Văn Tác: Tiêu chí này trong dự án xuất phát từ chất lượng đào tạo, vì học chuyên khoa I rất vất vả. Dự án cũng đã băn khoăn rằng, sợ các bạn không theo được. Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các bệnh viện, vì có những cái không thể tuyệt đối, đúng là có những bác sĩ chuyên tu cũng rất giỏi.

Dự án sẽ xem xét lại và có thể sẽ đề xuất xem lại tiêu chí này trong thời gian tới, khi đó sẽ chọn các bác sĩ chuyên tu xuất sắc để đào tạo. Nếu trong quá trình vận hành, điều gì không phù hợp thì mình sẽ bổ sung, điều chỉnh.

Thời gian tới, dự án tiếp tục có kế hoạch như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tác: Bộ Y tế đang có chủ trương tổng thể theo Nghị quyết 20 là cải tạo hệ thống, tới đây sẽ nhân rộng mô hình này, vì những huyện nghèo làm được, thì những huyện trung du, đồng bằng chắc chắn sẽ làm được vì họ có nhiều thuận lợi hơn.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đưa ra tiêu chí để các bác sĩ Trung ương về xã công tác và tiếp xúc trực tiếp với người dân.

Đặc biệt, Bộ sẽ tổ chức sơ kết từ thực tiễn và có thể sẽ đề xuất xem xét thành Luật về trách nhiệm nghĩa vụ xã hội đối với cán bộ y tế, khi đó sẽ không còn là vận động như hiện nay, mà tất cả các bạn trẻ khi vào ngành này, đều phải xác định, sau khi tốt nghiệp bắt buộc phải đi phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa trong một thời gian. Xu hướng này được nhiều quốc gia đã thực hiện và thành công, trong đó có Thái Lan, nước láng giềng với chúng ta.

Cảm ơn ông!

(Nguồn Thúy Hà báo Chính phủ)

Bộ Y tế quyên góp ủng hộ nhân dân Lào và người dân các tỉnh miền núi phía Bắc

Sáng ngày 3/8/2018, cơ quan Bộ Y tế đã thực hiện quyên góp ủng hộ nhân dân nước bạn Lào và nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế,  Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cùng lãnh đạo các vụ/cục/văn phòng/thanh tra Bộ và toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Y tế đã tham gia ủng hộ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ phát động

Chủ tịch công đoàn cơ quan Bộ Y tế Nguyễn Tuấn Hưng cho biết, chỉ trong giờ đầu phát động, số tiền ủng hộ đã lên tới hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, tại tất các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành ủng hộ mỗi cán bộ công nhân viên chức một ngày lương. Theo đó, sẽ được cơ quan Bộ Y tế chuyển đến ủng hộ  nhân dân nước bạn Lào và nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc

Phát biểu tại buổi lễ quyên góp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những ngày qua, sự cố vỡ đập thủy điện tại nước Lào và tình hình lũ lụt đang diễn ra ở một số địa phương của nước ta đã gây ra những thiệt hại to lớn về người, tài sản; đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh cho người dân sau mưa lũ tại các địa phương.

Rất đông cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan Bộ Y tế tham gia quyên góp, ủng hộ

 

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng gửi lời chia sẻ sâu sắc đến các gia đình người dân nước bạn Lào cũng như các tinh Tây Bắc có thân nhân bị thiệt mạng, bị thương do ảnh hưởng của mưa lũ. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ phải đối mặt.

Bộ trưởng đề nghị các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương vùng bị ảnh hưởng bới mưa lũ để có phương án hỗ trợ kịp thời, đặc biệt tìm giải pháp giúp các trạm y tế xã tại các vùng lũ lụt được thiết kế phù hợp nhằm phát huy hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ…

Đối với nước bạn Lào, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuẩn bị hóa chất phòng chống dịch bệnh, cơ số thuốc đễ sẵn sàng hỗ trợ khi nước bạn đề xuất.

Hoạt động quyên góp, ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt luôn được Bộ Y tế thực hiện để chia sẻ khó khăn với cộng đồng

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng hoan nghênh công đoàn cơ quan Bộ đã kịp thời tổ chức buổi lễ quyên góp, ủng hộ ý nghĩa này, tuy nhiên Bộ trưởng cũng yêu cầu công đoàn cơ quan Bộ, các công đoàn cơ sở cần chủ động hơn nữa trong các hoạt động vì cộng đồng.

Đến thời điểm 15h ngày 03/8/2018 số tiền quyên góp tại sảnh Bộ Y tế cùng với số tiền ủng hộ 01 ngày lương của Lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động là 307.150.000 đ

(nguồn Thái Bình)

Bản quyền thuộc về Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y Tế. All rights reserved - Thiết kế web giá rẻ Minh Dương
phòng marketing thuê ngoài | báo giá dịch vụ seo