Các bác sĩ trẻ tốt nghiệp khá – giỏi, có người từ bỏ cơ hội làm việc tại Hà Nội, xung phong lên công tác tại huyện miền núi trong điều kiện hết sức khó khăn
Tốt nghiệp loại khá giỏi tại Trường ĐH Y Hà Nội, bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Hiếu (SN 1989) đã tình nguyện về làm việc ở Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Nơi đây mới có 20 BS và đang cần thêm ít nhất 20 BS nữa.
Chọn nơi khó khăn để trưởng thành
Cách nhà hơn 700 km, điều kiện làm việc hạn chế là những gì mà BS Nguyễn Văn Hiếu phải đối mặt trong hơn 6 tháng công tác.
Bác sĩ Phạm Văn Tuấn, công tác tại Bệnh viện Nhi trung ương, tình nguyện lên làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn)
“Dù chuyên khoa nhi nhưng tôi cũng kiêm thêm nội khoa, điều trị bệnh nhân hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm bởi trung tâm chỉ có một BS gây mê chính. Khi BS đi công tác hay vắng mặt, tôi cũng hỗ trợ BS trong phẫu thuật” – BS Hiếu chia sẻ.
Từ khi còn là sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, trong những chuyến đi tình nguyện, BS Hiếu đã chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của người dân vùng cao, nhất là trẻ em. Ra trường, anh từ chối các cơ hội tốt hơn để đến công tác tại một trong những huyện khó khăn nhất cả nước.
“Khi đăng ký lên vùng cao làm việc 3 năm, tôi chỉ nghĩ rằng bà con sống được, vậy tại sao mình có tuổi trẻ, kiến thức lại không vượt qua được” – BS Hiếu trải lòng.
Vốn đang được học tập, đào tạo tại những BV lớn của Hà Nội – nơi hội tụ chuyên môn cao, kỹ thuật tiên tiến – nay lên công tác ở khu vực khó khăn, đôi lúc các BS trẻ cũng ái ngại. Song nhiệt huyết tuổi trẻ đã đẩy lùi những do dự ấy.
BS Phùng Đức Sơn đang công tác tại BV Đa khoa huyện Sốp Cộp (Sơn La) tâm sự do bà con vùng cao điều kiện kinh tế còn khó khăn nên hầu hết người bệnh khi đến BV đã trong tình trạng rất nặng. Trong khi đó, không ít đồng bào dân tộc vẫn tự điều trị ở nhà hoặc cúng bái để “xua” bệnh. Vì thế, theo BS Sơn, nhiệm vụ của BS ở đây không chỉ khám chữa bệnh cho người dân mà còn tuyên truyền để họ đến BV sớm khi có bệnh.
Gần 7 tháng qua, BS Phạm Văn Tuấn (SN 1989) được phân công “cắm chốt” tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). BS Tuấn tốt nghiệp loại giỏi tại Trường ĐH Y Hải Phòng, là 1 trong 7 BS tham gia dự án BS trẻ về huyện nghèo khóa đầu tiên. Khi tham gia dự án, BS Tuấn đã được BV Nhi trung ương tuyển dụng, đào tạo trong vòng 2 năm để có thể tự mình xử trí ca bệnh tại nơi làm việc.
Với sự có mặt của BS Tuấn, nhiều trường hợp bệnh chuyên khoa nặng đã được điều trị thành công tại trung tâm y tế, như: trẻ bị vàng da sơ sinh, tràn dịch màng phổi, viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh… Đặc biệt, BS Tuấn đã phát hiện sớm những ca bệnh tim bẩm sinh, tư vấn cho gia đình khám và can thiệp thành công. Hiện những bệnh nhi này đã hồi phục. Dù là chuyên ngành nhi nhưng BS Tuấn cũng tham gia khám và hội chẩn những ca bệnh khó về hồi sức cấp cứu, sản khoa, tim mạch…
Theo BS Tuấn, đa số bà con ở đây là dân tộc Tày, một số ít là người Mông và Dao nên việc giao tiếp thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ. “Mình đang cố gắng học thêm tiếng Tày, phần để hiểu người bệnh hơn và cũng hy vọng sau này về Hà Nội công tác nếu gặp bệnh nhân người dân tộc sẽ… “phiên dịch” để các đồng nghiệp hiểu” – BS Tuấn kể.
Trong số 7 BS trẻ tình nguyện đợt đầu tiên, có 2 nữ BS sinh năm 1989, đều công tác tại BV Đa khoa huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) là Cao Thị Hồng Yến và Trần Thị Loan. Xác định mình là “người dân tộc thiểu số” ở vùng cao, Yến và Loan đều phải học một số kỹ năng giao tiếp với bà con dân tộc. 80% trong khám bệnh liên quan đến khám và hỏi bệnh nhân nên ngoài thời gian ban đầu có người phiên dịch thì sau đó, 2 nữ BS trẻ phải học thêm tiếng dân tộc Mông và Mường.
Vùng cao “khát” bác sĩ
Theo TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Y tế, để các BS trẻ có thể “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, công tác đào tạo được ưu tiên theo hướng cầm tay chỉ việc và một kèm một, tức là mỗi học viên được một giáo sư đầu ngành tại các BV tuyến trung ương kèm cặp trong vòng 2 năm. Thực tế, có thể lên tới 8-9 giáo sư, tiến sĩ đào tạo 1 BS trẻ.
Hình thức đào tạo giống như chương trình BS nội trú. Những BS sau khi tốt nghiệp 6 năm y khoa, được học chuyên khoa 1 ngay mà không cần thời gian làm việc 2 năm mới được nhận đào tạo chuyên khoa. Các BS trẻ cũng được cọ xát thực tế tại các BV tuyến trung ương và BV hạng I.
PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, cho biết mới đây, Bộ Y tế đã kiểm tra, đánh giá dự án thí điểm đưa BS trẻ về huyện nghèo công tác. Đáng mừng nhất là từ khi có BS tăng cường về huyện nghèo, tỉ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên đã giảm.
14 BS trẻ về công tác tại các huyện nghèo từ tháng 8-2017 và từ tháng 1-2018, đến nay đã thực hiện hàng trăm kỹ thuật của các chuyên ngành ngoại khoa, nhi khoa và chẩn đoán hình ảnh, trong đó có những kỹ thuật khó như: cắt ruột thừa, cắt u buồng trứng, mổ nội soi, chọc dịch não tủy, nuôi dưỡng tĩnh mạch trẻ sơ sinh, siêu âm và chẩn đoán bệnh về mạch máu… Ngoài ra, hiện có 140 sinh viên y khoa tốt nghiệp loại khá, giỏi đăng ký tham gia dự án của Bộ Y tế, đang lần lượt được đào tạo BS chuyên khoa 1 tại Trường ĐH Y Hà Nội.
62 huyện thiếu 600 bác sĩ
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngành y cần tới 600 BS cho 62 huyện nghèo, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo… Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT phê duyệt dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo )”.
Đến nay, đã có gần 80 BS được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh. Từ nay tới năm 2020, Bộ Y tế sẽ đưa 300-500 BS trẻ về công tác tại những vùng này để thu hẹp khoảng cách về chăm sóc y tế giữa miền núi và miền xuôi.
(Nguồn Ngọc Dung báo Người lao động)