TTO – Y tế cơ sở đang làm gì, chất lượng dịch vụ thực tế ra sao, người bệnh có thể yên tâm chữa bệnh ở bệnh viện gần nhà chưa… là những nội dung các chuyên gia y tế trao đổi cùng bạn đọc trên tuoitre.vn chiều 8-11
Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa và chụp ảnh cùng các vị khách mời tại buổi giao lưu – Ảnh: NAM TRẦN
Có một thực trạng mà lâu nay người bệnh than phiền là chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở còn thấp, người bệnh đến nhưng bệnh viện không đủ phương tiện chẩn đoán, bác sĩ không đủ kinh nghiệm chuyên môn nên không xác định đúng bệnh, không cho đúng thuốc điều trị.
Người bệnh không hài lòng với chất lượng dịch vụ, họ lại đổ lên bệnh viện tỉnh, bệnh viện T.Ư, đau họng, nhức đầu cũng lên khiến bệnh viện quá tải, trong khi bệnh viện cơ sở thì rộng nhưng chẳng ai vào.
Nhưng đã có những chuyển biến đáng kể tại tuyến y tế cơ sở trong thời gian gần đây, đặc biệt là nhờ những giải pháp rất tích cực của ngành y tế như đưa bác sĩ bệnh viện tuyến trên về “cầm tay chỉ việc” cho tuyến dưới, đào tạo bác sĩ giỏi về làm việc tại bệnh viện cơ sở, bệnh viện cơ sở cũng tham gia cạnh tranh thật sự với thị trường dịch vụ y tế nói chung.
Đã có những kết quả đáng khích lệ sau các công việc kể trên: Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La gần đây đã mổ được sọ não, cứu sống người bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh mổ được u khổng lồ cho cụ bà 101 tuổi, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh sử dụng cánh tay robot trong phẫu thuật…
Để trả lời câu hỏi y tế cơ sở đang làm gì, chất lượng dịch vụ thực tế ra sao, người bệnh có thể yên tâm chữa bệnh ở bệnh viện gần nhà, từ 14h hôm nay 8-11, báo Tuổi Trẻ và Bộ Y tế mở cuộc giao lưu trực tuyến với các chuyên gia để trả lời những câu hỏi này của bạn đọc. Hai khách mời tham gia giao lưu bao gồm:
– Ông Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế;
– Ông Nguyễn Văn Tý, GĐ Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Vũ Hoàng Yến:
Y tế huyện, tỉnh cơ sở có thể khang trang nhưng thái độ và chất lượng bác sĩ, nhân viên có vấn đề thì dân nào dám vào ạ? Đơn cử bệnh viện đa khoa Vĩnh Long mới khánh thành gần đây, bệnh nhân tới xong không dám quay lại (báo chí cũng có đăng những vụ việc ở bệnh viện này). Đại diện bộ nói gì về việc này?
Ông Phạm Văn Tác:
Chúng tôi tiếp thu và ghi nhận ý kiến trên của độc giả phản ánh. Chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề trên với lãnh đạo Bộ Y tế để có chỉ đạo kịp thời với bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long cũng cần rà soát về chất lượng, phong cách cán bộ y tế, nếu ai tốt thì biểu dương kịp thời, nếu phát hiện cán bộ sai phạm, sách nhiễu, ứng xử không tốt thì kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm theo quy định.
Nhân đây chúng tôi đề nghị tất cả các bệnh viện luôn luôn lắng nghe ý kiến góp ý của người dân, người bệnh để hoàn thiện các quy trình đón tiếp, ứng xử, khám chữa bệnh của bệnh viện tốt hơn nhằm chăm sóc sức khoẻ tốt cho người dân vì họ không chỉ là đối tượng phục vụ của cán bộ y tế mà là người đem lại quyền lợi cho cán bộ y tế.
Ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế (trái) trả lời các câu hỏi bạn đọc gửi tới buổi giao lưu trực tuyến – Ảnh: NAM TRẦN
Lý Tài:
Nhiều nước người dân không e ngại bệnh viện tuyến nào vì chất lượng dịch vụ như nhau, có tiêu chuẩn chung. Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn này?
Ông Phạm Văn Tác:
Đây là điều mong ước của mỗi cán bộ y tế, của mỗi người dân và của toàn xã hội. Do đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế là không để lại bất cứ một ai ở phía sau không được chăm sóc sức khoẻ. Do đó, có nhiều biện pháp để đảm bảo, cung cấp, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho người dân được tốt nhất.
Tuy nhiên, đất nước chúng ta thì dài, có nhiều vùng núi, biên giới, hải đảo, do đó toàn xã hội và mỗi người dân, trong đó ngành y tế là nòng cốt phải phấn đấu tiến tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân.
Lê Thị Kim Ánh:
Chính sách lương là quan trọng hiện nay, liệu về vùng sâu lương có cao hơn không? Có quy định như ngành kho bạc hay bảo hiểm hệ số lương 1,8 cho bác sĩ về vùng sâu không?
Ông Phạm Văn Tác:
Hiện nay các chính sách với cán bộ y tế mới được thực hiện theo nghị định 56 về ưu đãi nghề, nghị định 64 cho cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa hưởng thêm 70% lương tối thiểu, có quyết định 73 về phụ cấp trực, phẫu thuật. Ngoài ra chính sách lương vẫn giống như các vùng thuận lợi khác, vì vậy nên có chính sách đặc biệt về lương cho cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trong thời gian tới, thực hiện nghị quyết 27 của Trung ương 7-XII về chính sách tiền lương, hy vọng người có vị trí việc làm ở vùng khó khăn thì được hưởng mức lương cao hơn như các ngành kho bạc, bảo hiểm y tế gấp 1,8 lần.
Trần Đức Hiếu:
Mỗi lần lên BV tuyến trên chúng tôi phải chờ rất lâu mới đến lượt khám, có khi đi từ 4h sáng nhưng đến gặp bác sĩ chỉ được vài phút. Nhưng nếu ở địa phương thì không yên tâm, địa phương ít thiết bị y tế và bệnh viện cũng không năng động để quảng cáo dịch vụ. Bộ có yêu cầu nào để tự bệnh viện phải năng động hơn để phục vụ người bệnh không?
Ông Phạm Văn Tác:
Tăng cường năng lực tuyến dưới tốt hơn cả về năng lực cán bộ y tế, cả về nhà cửa để người dân tin và không vượt tuyến với những bệnh có thể thăm khám, chăm sóc tại y tế cơ sở. Theo quyết định 2151 về đổi mới phong cách cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh và quyết định 1313 về phòng khám của các bệnh viện của Bộ trưởng Bộ Y tế, trước tiên người lãnh đạo, trưởng khoa phải điều tiết bác sĩ, tăng bác sĩ, tăng phòng khám khi bệnh nhân đông.
Đồng thời nhiều bệnh viện đã đưa ra nhiều cách lựa chọn cho bệnh nhân trong khám, chữa bệnh như gọi điện đặt lịch hoặc đặt lịch qua internet trước về ngày khám, giờ khám như bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện đang làm.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện vệ tinh tuyến y tế cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện hạt nhân của tuyến trên trong khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân, để tránh bệnh nhân phải chờ lâu hay phải đến xếp hàng quá sớm.
Mai Thanh:
Chúng tôi học y khoa thời gian kéo dài, học phí cao hơn nhưng ra trường lương tương tự các trường có thời gian học ngắn hơn khác, về địa phương thu nhập thấp, ít có cơ hội nâng cao nghiệp vụ. Bộ có chính sách gì thay đổi?
Ông Phạm Văn Tác:
Đúng là hiện nay có nhiều bất cập trong đào tạo bác sĩ 6 năm, cử nhân y khoa và các cử nhân khác chỉ có 4 năm, cho nên khi ra trường, cử nhân 4 năm có lương khởi điểm 2,34 sau 2 năm đào tạo thạc sĩ được lương 2,67, trong khi bác sĩ đào tạo 6 năm khi ra trường cũng chỉ hưởng lương khởi điểm 2,34.
Tới đây Bộ Y tế sẽ thay đổi căn bản, toàn diện việc đào tạo cán bộ y tế theo nghị quyết Trung ương 29-XI, Trung ương 6-XII về đào tạo bác sĩ sẽ chia làm nhiều giai đoạn, có thể cử nhân y khoa chỉ đào tạo 4-5 năm, sau đó học 2 năm tiếp về nội dung y học, thêm 2 năm chuyên khoa là 8 năm thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.
Còn đào tạo theo hướng hàn lâm sẽ thực hiện theo đúng luật giáo dục. Ngành y là ngành đặc biệt cần được đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt, do đó cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với cán bộ y tế, nhất là bác sĩ cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.
Phương Anh:
Tỉ lệ bác sĩ về công tác tại tuyến cơ sở sau khi tốt nghiệp hiện như thế nào? Liệu người bệnh có yên tâm ở lại chữa trị gần nhà?
Ông Phạm Văn Tác:
Hiện nay Vụ Tổ chức cán bộ-Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất làm đầu mối để thực hiện điều tra cơ bản về cán bộ y tế, bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở. Từ đó có báo cáo cụ thể, làm bằng chứng khách quan để tham mưu đầy đủ cho các cấp và Bộ Y tế có chính sách phù hợp về nhân lực y tế cho từng vùng miền khác nhau, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đồng thời đảm bảo chất lượng chăm sóc là quan trọng số một. Bên cạnh đó là vấn đề phong cách, thái độ, ứng xử hoà nhã, vui vẻ chắc chắn sẽ làm cho bệnh nhân yên tâm điều trị tại cơ sở với những bệnh bắt buộc không phải chuyển lên tuyến trên.
Hải Thy:
Các tỉnh có chính sách thu hút bác sĩ về công tác nhưng còn lẻ tẻ. Có nên có chính sách bắt buộc địa phương có hỗ trợ riêng để thu hút bác sĩ?
Ông Phạm Văn Tác:
Hiện nay một số tỉnh đã có chính sách thu hút bác sĩ cả về tiền lương, nhà ở như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh chưa quan tâm thoả đáng trong việc thu hút bác sĩ.
Theo thẩm quyền, việc này thuộc về địa phương, do đó Bộ Y tế khuyến nghị các địa phương cần nghiên cứu và có chính sách phù hợp để thu hút cán bộ y tế, thu hút bác sĩ giỏi, nhất là những người giỏi là con em địa phương để được công tác tại địa phương, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân địa phương.
Nguyễn Thị Phượng:
Hiện Bộ y tế yên tâm chất lượng điều trị tại tuyến y tế nào nhất? Ở TP.HCM đã có bệnh viện quận có đổi mới, chất lượng dịch vụ tốt. Nhưng số này chưa nhiều. Các tỉnh thành khác đã có nỗ lực như thế này?
Ông Phạm Văn Tác:
Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành 83 tiêu chí đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh trong toàn quốc và Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến khích các bệnh viện phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng JCI và sẽ tiến hành đánh giá độc lập chất lượng bệnh viện.
Đối với tuyến quận, huyện, theo nghị quyết số 19 Trung ương 6-XII là trung tâm y tế đa chức năng, bước đầu cũng cùng với xã là tuyến đầu tiên trong hệ thống y tế để chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Do đó phải làm tốt việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu gắn với mô hình y học gia đình sẽ thực hiện chăm sóc cả những bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường khi được bệnh viện tuyến trung ương điều trị ổn định và chuyển về theo dõi, chăm sóc tại cộng đồng.
Ngô Văn Tám:
Các kỹ thuật hiện có ở cơ sở đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của người bệnh? Tương lai bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu để người bệnh không phải đi xa?
Ông Phạm Văn Tác:
Theo thông tư 39 năm 2017 của Bộ Y tế quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản thì đã đáp ứng được khoảng từ 75-79% nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khoẻ ở tuyến cơ sở, theo nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách y tế của Bộ Y tế.
Đồng thời theo nghị quyết số 20 Trung ương 6-XII, hướng tới bao phủ chắm sóc sức khoẻ toàn dân và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Y tế sẽ thực hiện tiếp nội dung này với mục tiêu không để lại ai ở phía sau không được chăm sóc sức khoẻ khi có yêu cầu.
Mặt khác, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng 26 trạm y tế xã điểm làm cơ sở thực tiễn để phổ biến, phổ cập trong cả nước. Đồng thời gắn hoạt động của trạm y tế với trung tâm y tế huyện và đặc biệt là bệnh viện đa khoa huyện để đáp ứng được yêu cầu của người dân với những bệnh không phải chuyển lên tuyến trên thì được chăm sóc tại chỗ. Như vậy, người bệnh không phải đi xa, tiết kiệm được chi phí, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo.
Võ Anh Tài:
Nếu đưa bác sĩ về vùng sâu, họ ít có điều kiện học thêm lên và lâu dài lo ngại bị lụt về chuyên môn. Bộ y tế có giải pháp gì cho họ?
Ông Phạm Văn Tác:
Trước tiên, việc đào tạo bác sĩ trong y học cần được hiểu là đào tạo liên tục, suốt đời vì mỗi ngày đều có rất nhiều kỹ thuật mới, thuốc mới điều trị cho từng bệnh nên bắt buộc phải cập nhập kiến thức mới có thể khám chữa bệnh cho người dân.
Hiện nay các bác sĩ hay được đào tạo thông qua việc tương tác với các thầy, thông qua việc hội chẩn qua hệ thống thông tin hiện đại. Đó cũng là kênh tiếp thu, cập nhật kiến thức cho bác sĩ.
Một số lớp đào tạo được thực hiện từ xã theo hướng El-earning hoặc là đào tạo trực tuyến qua cầu truyền hình. Đồng thời Bộ Y tế có chủ trương luân phiên từ tuyến dưới lên tuyến trên để được học tập, tôi luyện thêm.
Ví như bác sĩ tuyến xã ở nhiều địa phương đã được luân chuyển về bệnh viện huyện. Đồng thời cũng có bác sĩ huyện được luân chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh để đào tạo, tăng cường tay nghề.
Ngoài ra, một phương thức đào tạo khác đó là đào tạo liên tục thông qua thi và cấp chứng chỉ hành nghề. Do đó, tất cả các bác sĩ ở các vùng đều phải cố gắng.
N.Trâm, Củ Chi:
Trạm y tế phường có mặt bằng rộng nhưng không có dịch vụ khám chữa bệnh nhiều. Danh mục thuốc lại ít ỏi. Sắp tới đây liệu có thay đổi?
Ông Phạm Văn Tác:
Chính phủ đã ban hành quyết định 2348 năm 2016 về tăng cường y tế cơ sở và Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai quyết định của Thủ tướng. Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành thông ty 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó đã mở rộng và đảm bảo nhu cầu của người dân theo mức độ bệnh tật của mỗi cá nhân.
Đồng thời, Bộ Y tế đang chỉ đạo thực hiện tốt chuẩn quốc gia về y tế xã. Như vậy, những trạm y tế xã ở vùng 3-vùng đặc biệt khó khăn phải đồng bộ xây dựng cả nhà cửa, trang thiết bị và đặc biệt là đội ngũ cán bộ, năng lực đội ngũ cán bộ y tế vì đây là vùng xa, vùng khó khăn để đảm bảo chăm sóc tốt sức khoẻ cho người dân.
Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo mô hình bác sĩ gia đình. Như vậy, một số các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường… sau khi đã điều trị ổn định cho bệnh nhận ở tuyến trên thì chuyển về tuyến huyện, xã để chăm sóc và cấp thuốc theo yêu cầu bệnh tật của từng bệnh nhân.
Đỗ Trường Giang:
Chúng tôi rất muốn khám bệnh ở bệnh viện địa phương, nhưng gần đây tôi đi khám ở BV thị xã rồi được chỉ lên tuyến trên, tôi lên thẳng Bạch Mai cho yên tâm thì kết quả siêu âm bệnh viện thị xã và Bạch Mai khác nhau, tôi thấy lo ngại là chất lượng bệnh viện gần nhà không tốt.
Ông Phạm Văn Tác:
Trong y học, các kỹ thuật như chiếu phim, chụp phim, siêu âm cho bệnh nhân ở thời điểm khác nhau đối với một bệnh nhân là có thể khác nhau. Do diễn biến bệnh tật của mỗi người ở từng thời điểm khác nhau, ví như khi lao động ở cơ sở, bệnh nhân có thể bị chấn thương bụng nhưng khi đó chụp chiếu chưa có kết quả. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau vẫn phải theo dõi chặt chẽ, và quá trình chụp, chiếu sau đó vẫn có thể cho kết quả khác.
Về phía Bộ Y tế chủ trương xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và tiến tới sẽ hình thành cơ quan độc lập để đánh giá chất lượng. Do đó, mong muốn chất lượng của các tuyến cần phải được đảm bảo theo đúng quy định. Đây cũng là nguyện vọng của mỗi người dân và mỗi cán bộ y tế cần thực hiện cho đúng.
Nguyễn Quốc Huy:
Quy mô của các hoạt động hỗ trợ nhân lực cho y tế cơ sở hiện ở mức nào? Đến bao giờ thì có thể đảm bảo tăng cường nhân lực cho tuyến dưới?
Ông Phạm Văn Tác:
Hỗ trợ theo chuyên khoa và đa khoa từ các bệnh viện tuyến trên gồm bệnh viện trung ương, tuyến tỉnh cho các huyện và cả xã. Thực tế hiện nay có 35 bệnh viện tuyến trung ương và 63 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đang tăng cường hỗ trợ cho các bệnh viện của trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã.
Các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở có thể theo kíp kỹ thuật như gồm cả bác sĩ phẫu thuật, gây mê, người phụ mổ. Đồng thời cũng có thể hỗ trợ theo cách như một số các hội nghề nghiệp y học, một số bệnh viện lớn trung ương tham gia khám chữa bệnh kết hợp phát thuốc miễn phí cho các xã.
Tính đến thời điểm này, nhân lực y tế cơ sở cơ bản đáp ứng được bước đầu theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận y tế cơ sở ở Việt Nam có hoạt động tốt. Tuy nhiên, nhân lực y tế cơ sở vẫn thiếu theo số bình quân đầu dân và đặc biệt thiếu nhiều là nhân lực y tế có chất lượng cao để khám chữa bệnh cho người dân.
Để người dân tin tưởng hơn nữa vào đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thì Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở.
An Huy:
Gần đây có nhiều chương trình hỗ trợ chuyên môn cho y tế cơ sở, nhưng vì sao hoạt động này không được làm sớm hơn, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tác:
Hiện nay có quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ luân phiên cán bộ y tế có thời hạn từ tuyến Trung ương xuống tuyển tỉnh, từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và tuyến huyện xuống tuyến xã.
Bộ Y tế cũng đã ban hành đề án 1816 luân phiên, luân chuyển cán bộ y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới, đồng thời Bộ Y tế cũng đề xuất Chính phủ ban hành đề án bệnh viện vệ tinh, trong đó có nhiều bệnh viện tuyến y tế cơ sở là vệ tinh của nhiều bệnh viện hạt nhân tuyến trung ương và tuyến cuối trong các chuyên khoa.
Chính các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao các kỹ thuật theo các gói dịch vụ cho các bệnh viện vệ tinh tuyến cơ sở. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt đề án 585 về đưa bác sĩ trẻ tình nguyện được đào tạo làm bác sĩ chuyên khoa 1 chất lượng cao theo hướng nội trú bệnh viện về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới hải đảo, ưu tiên cho 62 huyện nghèo.
Hàng năm, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện thực hiện công tác chỉ đạo tuyến theo từng lĩnh vực chuyên môn để hỗ trợ lẫn nhau, hỗ trợ từ tuyến trên xuống tuyến dưới.
Như vậy, tất cả các hoạt động trên đều đã làm, đang làm và tiếp tục rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, phục vụ cho tuyến y tế cơ sở phát triển theo đúng định hướng của nghị quyết số 20 Trung ương 6-XII về tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao công tác sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, xác định y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam.
Hoàng Hải Văn:
Nhân lực y tế thiếu không chỉ ở vùng sâu vùng xa, trong khi trường y năm nào cũng đào tạo rất đông. Nhân lực này làm việc ở đâu mà ngay cả bệnh viện trung ương cũng kêu thiếu nhân lực?
Ông Phạm Văn Tác:
Theo thông tin của Cục Khoa hoc công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế, năm 2017 cán bộ y tế tốt nghiệp ở hai đối tượng bác sĩ khoảng 8.000 người và khoảng 25.000 điều dưỡng viên.
Tuy nhiên, hiện nay trung bình cán bộ y tế trong cả nước chỉ có 8,3 bác sĩ/vạn dân và tập trung nhiều ở các bệnh viện lớn, thành phố lớn, đô thị lớn, vì vậy vùng sâu vùng xa còn thiếu.
Với điều dưỡng, trung bình khoảng 2,2 điều dưỡng/bác sĩ. Như vậy, tỉ lệ điều dưỡng vẫn còn thiếu vì theo Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ điều dưỡng từ 3-3,5/bác sĩ mới đảm bảo chăm sóc toàn diện được.
So sánh với thế giới về trung bình bác sĩ/vạn dân thì ở các nước Đông Nam Á vẫn cao hơn Việt Nam, ví như Thái Lan, Singapore đều từ 10-15 bác sĩ/vạn dân.
Minh Thành:
Trong điều kiện hiện nay, theo ông việc chăm sóc sức khỏe cho người dân như thế nào sẽ đảm bảo được hiệu quả nhất, vì người dân chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ, trung tâm y tế có nên tổ chức đoàn khám tại phường xã?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Để việc chăm sóc sức khỏe cho người dân có hiệu quả hơn, việc cần làm hiện nay là tổ chức tốt việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, triển khai trạm y tế hoạt động thao mô hình bác sĩ gia đình. Đó là cầu nối giữa nhân viên y tế với người dân và có thông tin sớm nhất về sức khỏe của người dân để tư vấn kịp thời. Việc tổ chức các đoàn khám tại các xã phường cũng là việc cần thiết, nhưng chỉ thực hiện khi tổ chức khám sàng lọc.
Huệ Anh:
Nếu làm tốt y tế dự phòng thì lượng bệnh nhân vào viện có giảm không? Thời gian qua thực hiện nhiệm vụ trung tâm y tế đa chức năng, các ông đã đảm bảo hiệu quả phòng bệnh?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Nếu thực hiện tốt công tác y tế dự phòng thì sẽ góp phần giảm tải lượng bệnh nhân vào bệnh viện vì hiện nay mô hình bệnh tật đã thay đổi. Các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì… gia tăng. Công tác y tế dự phòng sẽ góp phần phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ đối với các bệnh này. Từ đó sẽ có tư vấn và can thiệt kịp thời cho các đối tượng có nguy cơ, để giảm đối tượng mắc bệnh hoặc đã có bệnh thì giảm biến chứng nặng.
Hiện nay, trung tâm y tế đã chỉ đạo các trạm y tế thực hiện quản lý và điều trị bệnh không lây. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả phòng các bệnh không lây nhiễm.
Hồ Văn Út:
Xin hỏi chức năng, nhiệm vụ chính hiện nay của trạm y tế và của Trung tâm y tế/bệnh viện huyện? Khi nào thì người dân đi trạm y tế và khi nào thì nên đi bệnh viện huyện? Biết được điều này, người dân chúng tôi sẽ đỡ phải mất công đi vòng vòng hai ba bước ạ. Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Văn Tý:
Chức năng nhiệm vụ của trạm y tế được quy định thông thông tư 33 của Bộ Y tế. Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Y tế được thực hiện theo thông tư 37 của Bộ Y tế. Đối với việc người dân có nhu cầu khám chữa bệnh thì từ năm 2016, khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đã được thông tuyến huyện nên người dân có thể đến khám tại trạm y tế, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện đều được thanh toán Bảo hiểm y tế.
Ông Nguyễn Văn Tý, GĐ Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng, Hà Nội trả lời các câu hỏi bạn đọc gửi tới buổi giao lưu trực tuyến – Ảnh: NAM TRẦN
Lưu Văn Thành:
Việc kết hợp trung tâm y tế như hiện nay, bao gồm cả y tế dự phòng, theo ông có đạt hiệu quả?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Theo thông tư 37 của Bộ Y tế, việc tổ chức trung tâm y tế đa chức năng bao gồm khám chữa bệnh và y tế dự phòng đã thực hiện tại nhiều tỉnh thành.
Đối với thành phố Hà Nội, việc tổ chức lại trung tâm y tế trên cơ sở sát nhập trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình, còn các bệnh viện hạng 2 tổ chức riêng. Mô hình trung tâm y tế tại Hà Nội góp phần làm tinh giảm đầu mối tổ chức và cùng là đơn vị sự nghiệp nên hoạt động đạt hiệu quả tốt hơn.
Nguyễn Hải:
Lo ngại của người dân khi vào tuyến y tế cơ sở là lo bác sĩ không giỏi và không đủ thiết bị. Các ông làm gì để thay đổi định kiến này?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Trong thời gian vừa qua, tuyến y tế cơ sở chưa đươc quan tâm đầu tư đúng mức. Do vậy chưa tạo được sự tin tưởng của người dân khi đến khám chữa bệnh tại y tế tuyến cơ sở.
Thực hiện chỉ đạo của bộ Y tế về xây dựng trạm y tế điểm, các trạm y tế cần có sự đầu tư về nhân lực, trang thiết bị, danh mục kỹ thuật, cơ chế thanh toán bảo hiểm và sự hỗ trợ bác sĩ của các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh thành phố.
Về cơ sở hạ tầng, cần sắp xếp lại khu vực đón tiếp khám chữa bệnh cùng với khu tư vấn truyền thông. Về nhân lực, được đào tạo tập huấn về bác sĩ gia đình và quản lý bệnh không lây nhiễm.
Về danh mục kỹ thuật, cần được phê duyệt, bổ sung các danh mục khám chữa bệnh tại trạm y tế. Về cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, cần tăng cường thêm quỹ khám chữa bệnh cho trạm y tế vì hiện nay, quỹ khám chữa bệnh tại trạm chỉ được không quá 20% so với quỹ khám chữa bệnh ngoại trú.
Các bệnh viện trung ương và thành phố tăng cường luân phiên có thời hạn các bác sĩ về làm việc tại trạm y tế cơ sở để tạo uy tín với người dân và chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế tuyến dưới.
Vũ Hoàng My:
Nếu so sánh về danh mục thuốc và trang thiết bị,bệnh viện quận huyện và bệnh viện tuyến trên có gì khác nhau? Làm sao để kéo gần khoảng cách lại? Có nên để bệnh viện quận huyện chỉ làm một số dịch vụ và phải làm tốt, kỹ thuật khó để tuyến trên thực hiện?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Danh mục thuốc và trang thiết bị giữa bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện tuyến trên có sự khác nhau căn cứ vào trình độ chuyên môn và danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để kéo gần khoảng cách giữa hai tuyến bệnh viện quận huyện và các bệnh viện tuyến trên, cần có sự tăng cường luân chuyển, chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến trên cho bệnh viện tuyến quận huyện.
Trên thực tế, các kỹ thuật chuyên sâu nên để thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương. Bệnh viện tuyến huyện thực hiện khám chữ bệnh đa khoa và hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở.
Trần Quang Vinh:
Nếu danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho trạm y tế phường xã và bệnh viện quận huyện rộng hơn, các ông cần những thuốc gì để đpá ứng nhu cầu người dân?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Hiện nay, các trạm y tế định hướng hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình, quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường… Nếu danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho các trạm y tế xã phường được rộng hơn thì cần tăng cường danh mục thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Lê Thanh Hải:
Ngành y tế Hà Nội đã thực hiện quản lý sức khỏe theo hình thức bác sĩ gia đình. Nếu thực hiện tại huyện ông, các ông có đủ nhân lực để quản lý theo mô hình mỗi bác sĩ quản lý sức khỏe người dân ở một khu vực nhất định? Nếu thực hiện thì theo ông làm sao cho hiệu quả?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Hiện nay tại huyện Đan Phượng đã triển khai quản lý sức khỏe theo mô hình bác sĩ gia đình, tại các trạm y tế xã và thị trấn. Tuy vậy mỗi trạm chỉ có một bác sĩ, nên không thể có đủ nhân lực để mỗi bác sĩ quản lý sức khỏe người dân ở một khu vực nhất định.
Để thực hiện được điều này, trạm y tế sẽ phân công mỗi cán bộ trạm sẽ phụ trách một cụm dân cư để nắm bắt thông tin sức khỏe của người dân tại khu vực đó cùng với mạng lưới y tế thôn, cụm. Khi có vấn đề cần tư vấn hoặc khám sức khỏe thì sẽ tư vấn để người dân đến trạm hoặc các cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đỗ Việt Hòa:
Theo ông, muốn bệnh nhân đến đông và tin tưởng thì yếu tố tiên quyết của y tế tuyến cơ sở là yêu cầu nào? Hiện các ông đã đáp ứng được yêu cầu đó hay chưa?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Muốn bệnh nhân tin tưởng và đến khám chữa bệnh tại y tế tuyến cơ sở, yêu cầu quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Điều này đòi hỏi trình độ chuyên môn của cán bộ y tế có thể cung ứng được các dịch vụ cho người dân đầy đủ nhất, đảm bảo các trang thiết bị cần thiết trong công tác khám chữa bệnh, có đầy đủ danh mục thuốc thiết yếu để phục vụ cho người bệnh. Bên cạnh đó, cần nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo xanh sạch đẹp.
Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm 78 danh mục kỹ thuật và 241 loại thuốc. Đồng thời định hướng các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, quản lý bệnh không lây nhiễm.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh thành đưa bác sĩ về làm việc có thời hạn tại trạm y tế để chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ trạm và tạo uy tín cho người dân khi có sự tham gia khám chữa bệnh của bác sĩ tuyến trên. Từ đó, người bệnh sẽ không phải mất công lên bệnh viện tuyến trên, mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi.
Đến nay Bộ Y tế đã chọn 26 trạm y tế điểm toàn quốc giai đoạn 2018-2020, trong đó Hà Nội có bốn trạm, hoạt động đáp ứng các yêu cầu như trên. Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Y tế sẽ nhân rộng mô hình này trong toàn quốc để đáp ứng yêu cầu khám chữa bênh tại tuyến cơ sở của người dân.
Phan Thanh Nam:
Ngành y khuyến khích người dân đi chăm sóc sức khỏe ở y tế cơ sở, nhưng thời gian qua có nhiều vụ việc cho thấy chất lượng ở tuyến cơ sở có vấn đề, như bệnh nhân tử vong sau khi điều trị/truyền dịch ở y tế phường… Thử hỏi làm sao người dân dám đi y tế phường nữa? Bản thân các đơn vị y tế cơ sở có nhìn thấy điều này không và đang làm gì để người dân tin tưởng mình?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Trong thời gian vừa qua, chất lượng chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là về vấn đề nhân lực. Chính vì nhận thấy điều này nên Ban Chấp hànhTrung ương đã ban hành Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 2348 phê duyệt đề án Xây dựng mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Ngành y tế cũng đã ban hành các văn bản quy định về thực hiện quy chế chuyên môn để các đơn vị y tế thực hiện đúng quy trình.
Để tránh tình trạng còn xảy ra những trường hợp tai biến đáng tiếc, các cán bộ y tế tuyến cơ sở cần thường xuyên được đào tạo, tập huấn lại để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt khi hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh để giúp cho người dân tin tưởng hơn đối với y tế tuyến cơ sở.
Lưu Văn Nghiệp:
Mẹ tôi bị đau họng, nhức mỏi, đi trạm y tế phường khám, bác sĩ đi vắng (nói là họp hành gì đó) hẹn chiều quay lại. Người bệnh có chờ được đâu, đành chạy ra phòng khám tư. Như vậy nói phục vụ người dân cái gì?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Khám chữa bệnh là một trong những chức năng cung ứng dịch vụ của Trạm y tế, mỗi trạm y tế đều bố trí có cán bộ trực và khám cấp cứu hàng ngày. Trường hợp vượt quá khả năng của Trạm sẽ giới thiệu lên các cơ sở y tế tuyến trên. Vì vậy nếu bác sĩ đi vắng cần bố trí cán bộ khám thay thế để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Hoàng Lan:
Tôi ở Gò Vấp, y tế phường tôi thấy chẳng làm được gì ngoài tiêm ngừa cho trẻ nhỏ và khám sức khỏe cho trẻ làm hồ sơ đi học, chẳng thấy ai đi khám. Không chỉ ở khu tôi ở mà nhiều nơi khác cũng vậy. Lý do vì sao? Trạm y tế gần nhà nhưng không ai khám là do ai, do người dân hay do chính trạm y tế chưa đáp ứng được nhu cầu? Hiện nay có trạm y tế nào làm được công tác chăm sóc sức khỏe như người dân mong đợi chưa, xin giới thiệu để chúng tôi tham khảo?
Ông Nguyễn Văn Tý:
Việc khám sức khỏe học sinh thì Trung tâm y tế tổ chức đoàn khám có đầy đủ chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế, khám sức khỏe theo thông tư 16 của Bộ.
Mỗi trạm y tế chỉ có một bác sĩ, không đủ chức năng khám sức khỏe cho học sinh. Nếu muốn khám sức khỏe cho học sinh có thể liên hệ với trung tâm y tế hoặc các bệnh viện đã công bố đủ điều kiện khám sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
LAN ANH