Sau khi tốt nghiệp, 14 bác sĩ khóa I, khóa II của dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo (Dự án 585) đã lên công tác tại các huyện vùng cao như: Mường Nhé (Điện Biên); Mường Khương, Bắc Hà (Lào Cai); Pác Nặm, Ba Bể (Bắc Cạn), Sốp Cộp (Sơn La)…
Không chỉ trực tiếp tham gia cứu chữa được nhiều ca bệnh khó, sự có mặt của các bác sĩ trẻ đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao và từng bước tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trái ngọt đầu mùa
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, được tuyển dụng vào biên chế của Bệnh viện Nhi Trung ương (T.Ư) rồi qua 24 tháng đào tạo chuyên khoa I tại Trường đại học Y Hà Nội, hôm lên nhận nhiệm vụ ở Trung tâm y tế huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) bác sĩ trẻ Ðỗ Phương đã gặp không ít bất ngờ. Ðường sá đi lại xa xôi, cơ sở y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị… và đời sống của người dân ở đây còn quá nghèo. Có những lúc bác sĩ Phương đặt câu hỏi: “Phải làm sao để có thể giúp thật nhiều người dân nghèo chữa bệnh?”. Có hôm nhiệt độ ngoài trời chưa đến 10oC, cái lạnh vùng núi như cắt da, cắt thịt nhưng vẫn có em bé đến khám bệnh mà trên người chỉ mặc mỗi tấm áo mỏng. Cũng do nghèo khó mà có khi, các bác sĩ phải lo cho người bệnh từ thuốc men đến việc ăn uống. Lại có người mới chỉ nằm viện được vài ba ngày đã nói với bác sĩ: “Hết tiền ăn rồi, bác sĩ cho tôi về nhà thôi”…
Bác sĩ Đỗ Phương trao đổi với người nhà bệnh nhi đang điều trị nội trú tại Trung tâm y tế Pác Nặm (Bắc Cạn).
Ở các địa phương khác, mỗi bác sĩ thường mất từ 10 đến 15 phút cho một ca khám bệnh, nhưng với bác sĩ Phương phải mất cả tiếng vì phần lớn người dân ở Pác Nặm là đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao, tiếng Kinh không thạo, lại không biết diễn đạt tình trạng đau của mình, cho nên phải tìm “phiên dịch viên” là đồng nghiệp, hoặc người nhà người bệnh khác…
Vượt qua những khó khăn đó, sau bảy tháng công tác tại Trung tâm y tế Pác Nặm, bác sĩ Phương đã cùng đội ngũ thầy thuốc ở đây triển khai được một số kỹ thuật mới. Ðáng chú ý, qua thăm khám, bác sĩ Phương đã phát hiện được năm trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh và giới thiệu chuyển về Bệnh viện Nhi T.Ư can thiệp, trong đó có hai bé đã được can thiệp, trở lại cuộc sống bình thường. Ngoài ra, một số trẻ bị giãn đại tràng bẩm sinh, hội chứng thận hư… cũng đã được bác sĩ Phương phát hiện, điều trị thành công hoặc tư vấn, giới thiệu đến cơ sở y tế điều trị phù hợp.
Với bác sĩ Ðỗ Phương, ca cấp cứu bé Cà Hạo Nhiên (ở thôn Nà Án, xã Xuân La) là kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày đầu lên công tác ở huyện vùng cao Pác Nặm. Nhận cuộc điện thoại lúc một giờ sáng, bác sĩ Phương tất tả chạy từ khu tập thể lên phòng cấp cứu. Tại đây, một cháu bé mới được gần một tháng tuổi đã trong trình trạng khó thở, tím tái toàn thân; người nhà thì rất lo lắng và tuyệt vọng. Qua thăm khám và hội chẩn cùng kíp trực, cháu bé được xác định bị viêm phổi nặng. Phương án cấp cứu tốt nhất được triển khai, nhưng vấn đề mới phát sinh là gia đình nằng nặc xin chuyển bé lên bệnh viện tỉnh. Nhưng để lên được bệnh viện tỉnh, phải mất bốn, năm tiếng để vượt quãng đường hơn 150 km; chưa kể, đường khó đi, bệnh lại nặng, cho nên việc di chuyển sẽ gây nguy hiểm cho em bé.
Bác sĩ Phương phải tư vấn, thuyết phục để bé ở lại tiếp tục theo dõi, nếu không có chuyển biến tốt, bệnh viện sẽ có phương tiện hỗ trợ chuyển tuyến. Rất may, em bé đáp ứng khá tốt với phương pháp điều trị, tình trạng nguy kịch dần qua, sức khỏe dần hồi phục… Hơn một tuần sau, bé Hạo Nhiên được ra viện. Bác sĩ Phương chia sẻ: Nếu hôm đó cho chuyển tuyến ngay, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Cũng tốt nghiệp khóa I của Dự án 585 như Phương, bác sĩ Phạm Văn Tuấn lên nhận nhiệm vụ ở Trung tâm y tế huyện Ba Bể (Bắc Cạn). Do hòa nhập nhanh với môi trường, đồng nghiệp mới, đến thời điểm này, bác sĩ Phạm Văn Tuấn đã được không ít người dân ở huyện vùng cao Ba Bể biết đến. Anh được lãnh đạo bệnh viện cũng như các đồng nghiệp đánh giá là bác sĩ trẻ có nhiều sáng kiến trong khám, chữa bệnh cũng như giao tiếp tốt với người bệnh và tận tình trong công việc. Bác sĩ Tuấn đã thực hiện được 33 kỹ thuật, trong đó có bốn kỹ thuật mới, lần đầu được triển khai sau khi có bác sĩ trẻ về đây công tác.
Với sự có mặt của bác sĩ Tuấn, nhiều ca bệnh nặng đã được điều trị thành công như: Trẻ bị vàng da sơ sinh, tràn dịch màng phổi, viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh. Bác sĩ Tuấn đã phát hiện sớm những ca bệnh tim bẩm sinh, tư vấn cho gia đình khám và can thiệp thành công. Dù là chuyên ngành nhi nhưng bác sĩ Tuấn cũng thường xuyên tham gia khám và hội chẩn những ca bệnh khó về hồi sức cấp cứu, sản khoa, tim mạch… Chứng kiến gia cảnh người bệnh quá khó khăn, nhiều lần bác sĩ Tuấn đã đề xuất Trung tâm hoặc bỏ tiền túi giúp người bệnh nghèo mua cơm ăn để họ yên tâm ở lại điều trị bệnh đến khi dứt điểm. Những trẻ bệnh tình nặng, phải lên tuyến trung ương, bác sĩ Tuấn lại tự tay viết giấy giới thiệu, hoặc trao đổi thông tin qua Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Nhi T.Ư) để hỗ trợ tốt nhất cho các bé.
Kết quả khảo sát bước đầu về bảy bác sĩ trẻ khóa I về công tác tại bốn tỉnh miền núi, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án 585 cho biết, các bác sĩ trẻ được cấp ủy lãnh đạo UBND huyện, bệnh viện huyện tin tưởng, đồng nghiệp quý mến, người dân tin yêu: từ đó, người dân đến bệnh viện nhiều hơn trước, nhưng lại giảm tỷ lệ người bệnh chuyển lên tuyến trên. 14 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo từ tháng 8-2017 và tháng 1-2018 đã làm chủ 160 kỹ thuật thuộc các chuyên ngành như: Ngoại, nhi, chẩn đoán hình ảnh… Trong đó có những kỹ thuật khó như: cắt ruột thừa, cắt u buồng trứng, mổ nội soi, chọc dịch não tủy, nuôi dưỡng tĩnh mạch trẻ sơ sinh, siêu âm và chẩn đoán bệnh về mạch máu… Nhờ vậy, nhiều người dân các tỉnh miền núi không còn phải lặn lội về thành phố hay đến tận Hà Nội mới có thể được phẫu thuật.
Giải bài toán cho nhân lực y tế vùng cao
Sau bảy tháng tiếp nhận hai bác sĩ trẻ về công tác tại trung tâm y tế hai huyện khó khăn nhất là Ba Bể và Pác Nặm, Giám đốc Sở Y tế Bắc Cạn Nguyễn Ðình Học khẳng định, dự án đưa bác sĩ trẻ về các cơ sở y tế vùng cao là một chủ trương cần thiết, bởi vì ở đây luôn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương còn rất hạn chế. Cho nên sự có mặt của các bác sĩ trẻ được đào tạo trình độ cao là cơ hội tốt để hệ thống y tế cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn; giúp người dân ở những vùng sâu, vùng xa được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến dưới, tránh được việc nhiều ca bệnh khó phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, giảm bớt vất vả, tốn kém cho người dân. Chưa kể, với những ca vượt khả năng hoặc thiếu những thiết bị hỗ trợ, các bác sĩ tăng cường có thể tư vấn, giới thiệu người bệnh đến những cơ sở phù hợp nhất, hiệu quả nhất.
Thực tế tại các huyện khó khăn, sau khi có bác sĩ trẻ về tăng cường, đều có những thay đổi nhất định về chuyên môn; nhận thức trong công tác khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh đã được nâng lên một cách rõ nét; tinh thần, thái độ, trình độ chuyên môn được nâng cao, thu hút được người dân đến khám bệnh nhiều hơn, nhất là niềm tin, sự tin tưởng của người dân khi có bác sĩ trẻ về công tác được tăng lên.
Tiến sĩ Phạm Văn Tác cho biết, 62 huyện nghèo cần khoảng 600 bác sĩ, thuộc 15 chuyên khoa, trong đó bảy chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là: Nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh. Chính vì vậy, việc Bộ Y tế triển khai dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn sẽ là bước đột phá trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở địa phương. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Thời gian làm việc tại vùng cao của các bác sĩ trẻ chưa nhiều, rất nhiều khó khăn còn ở phía trước, trong khi mong muốn, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao…, đòi hỏi mỗi bác sĩ trẻ cần đem hết tài năng và sức lực đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao. Ðó chắc chắn là quãng thời gian có nhiều ý nghĩa đối với những người đã chọn cho mình sự nghiệp trị bệnh, cứu người.
Dự án 585 đặt ra mục tiêu, tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện vùng khó khăn. Hiện tại dự án đã, đang tuyển chọn đào tạo chuyên khoa I cho 154 bác sĩ thuộc 10 chuyên ngành (nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền). Sau khi tốt nghiệp các bác sĩ này công tác ba năm (đối với nam) và hai năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký. Hết thời hạn nêu trên, họ sẽ trở về làm việc tại các bệnh viện nơi họ đã được tuyển dụng trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện đó. |
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU báo nhân dân