TIN LIÊN QUAN
Một bác sĩ trẻ đang thăm khám cho hai mẹ con người dân tộc Thái ở huyện nghèo Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Nguyễn Khánh/Ngân hàng thế giới).
NDĐT – Năm 1978, khi mới sinh ra, tôi chỉ nặng 2,5 kg như phần lớn trẻ em sinh ra trong thời kỳ kiệt quệ sau chiến tranh. Một người họ hàng của tôi chết ở tuổi 40 vì bệnh lao. Ông tôi, một lang y, rất buồn vì không thể dùng thảo dược để chữa trị căn bệnh thuộc tứ chứng nan y này, trong khi bác sĩ và thuốc chống lao lại không sẵn có ở tuyến xã. Bố mẹ tôi quyết định rời nông thôn ra Hà Nội với mong ước rằng bọn trẻ con chúng tôi có thể tiếp cận với hệ thống y tế tốt hơn.
Nhưng ngay cả ở thủ đô thời ấy, giới tinh hoa y học vẫn còn mơ hồ về y tế cơ sở và không khỏi ngạc nhiên khi Tổ chức Y tế Thế giới ra tuyên bố ở Alma Ata (thủ đô Kazahhstan) kêu gọi các nước bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tất cả mọi người.
Năm 1998, khi hai mươi tuổi, cùng các bạn sinh viên y, tôi háo hức đi thực tập tại một trạm y tế xã ở vùng nông thôn. Lúc này, chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được đưa vào giảng dạy trong trường đại học y. Các giáo sư nói rằng chúng tôi là thế hệ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo để tăng cường cho y tế cơ sở. Việt Nam đã có khoảng năm bác sĩ trên một vạn dân nhưng hơn 75% số xã không có bác sĩ phục vụ. Thành thực mà nói thì không có nhiều sinh viên tốt nghiệp trường y lựa chọn công việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, vì thế, những khó khăn về nhân lực cho y tế cơ sở còn tồn tại dai dẳng.
Năm 2018, bốn mươi năm sau tuyến bố Alma Ata của Tổ chức Y tế thế giới, tôi vui mừng nhận thấy tất cả chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước luôn kiên định với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Nghị quyết số 20 NQ/TƯ của Ban Chấp hành T.Ư Đảng cộng sản Việt Nam đề ra nhiệm vụ đổi mới y tế cơ sở và phát triển y học gia đình, một chuyên ngành mới trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới với mục tiêu nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho từng người dân trên địa bàn một cách toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép.
Tôi hiểu rằng nhân lực chính là nút thắt hiểm hóc nhất trên đường tiến tới bao phủ y tế toàn dân ở Việt Nam. Đất nước hiện có tám bác sĩ trên một vạn dân nhưng phần lớn tập trung ở thành thị, nơi 35% dân số sinh sống. Mạng lưới y tế cơ sở ở 62 huyện nghèo nhất còn thiếu 600 bác sĩ, dẫn đến hơn 30% số trạm y tế xã chưa có bác sĩ phục vụ.
Ở các trạm y tế xã, nhân viên y tế hiện nay không đủ năng lực để cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản như sàng lọc và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và quản lý các bệnh không lây nhiễm phổ biến (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư v.v). Hậu quả là người bệnh bỏ qua tuyến y tế cơ sở đi thẳng lên tuyến trên ngay cả khi mắc các bệnh thông thường, khiến cho các bệnh viện Trung ương và tỉnh bị quá tải. Trong khi đó, các trường y vẫn đang định hướng nguồn nhân lực y tế tương lai vào chăm sóc chuyên sâu thay vì chăm sóc sức khỏe ban đầu với các giáo trình cổ điển dựa vào bệnh viện.
Vì thế, tôi hào hứng chung tay cùng các đồng nghiệp ở Bộ Y tế, Ngân hàng thế giới và Liên minh châu Âu triển khai dự án Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách y tế (gọi tắt là dự án HPET), nhằm tăng cường cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Một hợp phần của dự án đang đào tạo và đưa thêm bác sĩ giỏi về phục vụ người nghèo ở những vùng khó khăn.
Thông qua sáng kiến “bác sĩ trẻ tình nguyện”, Bộ Y tế có thể bổ sung cho hệ thống y tế cơ sở tại 62 huyện nghèo nhất nước ít nhất 300 bác sĩ trình độ cao. Họ là những người trẻ tình nguyện làm việc ở những vùng khó khăn trong vòng 2-3 năm sau khi hoàn thành một khóa đào tạo chuyên khoa và theo một hợp đồng lao động với cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương. Một hợp phần khác của dự án đang nâng cao năng lực khám chữa bệnh của đội ngũ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở theo các nguyên lý y học gia đình. Bộ Y tế hy vọng hàng nghìn đội chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trạm y tế xã sẽ cải thiện được năng lực và điều kiện làm việc, cho phép họ cung cấp dịch vụ y tế lồng ghép, toàn diện và liên tục cho người dân ở 15 tỉnh, phần lớn là các tỉnh nghèo ở miền núi phía bắc và Tây Nguyên.
Năm 2038, khi tôi sáu mươi, tôi mong muốn sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở ở gần nhà. Tôi ước mình và gia đình sẽ nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe lồng ghép, toàn diện và liên tục từ đội ngũ cán bộ y tế mà chúng tôi đang đầu tư ngày hôm nay. Bao phủ y tế toàn dân một cách có hiệu quả, không kể khoảng cách địa lý và điều kiện kinh tế, từng là giấc mơ của thế hệ cha ông trước kia. Thế hệ chúng tôi sẽ vượt qua nút thắt về nhân lực để biến ước mơ đó thành hiện thực.
(LÊ MINH SANG- WB)