Năm 2015 đã khép lại với nhiều dấu ấn của ngành y tế. Từ chỗ bị “khủng hoảng truyền thông”, ngành y tế đã lắng nghe và biến thách thức thành cơ hội thay đổi để năm 2015 có những đột phá ở nhiều lĩnh vực, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được từ sự nỗ lực của toàn ngành, thì y tế luôn được xem là lĩnh vực “nhạy cảm” vì liên quan trực tiếp tới đời sống người dân. Nhân dịp năm mới Bính Thân, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo Sức khỏe&Đời sống về những kết quả, thành tựu đạt được trong thời gian qua và những phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2016, cũng như giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chứng kiến Lễ ký cam kết đổi mới phong cách , thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Thưa Bộ trưởng, chúng ta có thể hình dung như thế nào về những việc ngành y tế đã làm được trong năm 2015 nói riêng và giai đoạn 2011-2015 nói chung?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chính sách để đạt được cao nhất các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao, đặc biệt là chỉ tiêu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, góp phần quan trọng cùng các Bộ, ngành thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015. Có thể thấy, đến nay, 7 nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 ngành y tế đã và đang đạt được những kết quả rất lớn, đó là: Giảm quá tải bệnh viện (BV); Đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và lộ trình BHYT toàn dân; Tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu; Phát triển nhân lực y tế; Thí điểm khám chữa bệnh theo yêu cầu; Nâng cao hiệu quả thông tin – truyền thông – giáo dục sức khỏe.
Đối với nhiệm vụ giảm quá tải BV, thực tế cho thấy đến thời điểm này ngành y tế đã cơ bản giải quyết tình trạng nằm ghép. Trong năm 2015 cũng như trong 5 năm qua, một trong những thành tựu mà ngành y tế đạt được là cải thiện được một bước tình trạng quá tải trong điều trị. Điển hình là tại một số BV Trung ương trước đây như BV K, BV Nội tiết, BV Nhi, BV Chợ Rẫy…, bệnh nhân phải nằm ghép 2, ghép 3 một giường thì đến nay, cơ bản tình trạng này không còn diễn ra nữa mà thay vào đó, mỗi người một giường, thậm chí có nơi còn có đầy đủ tiện nghi như một căn phòng của khách sạn. Để làm được điều đó, ngành thực hiện xây mới một loạt các công trình tại các cơ sở 2 của BV hoặc các tòa nhà mới kỹ thuật cao, mở thêm một số cơ số giường bệnh khá lớn, kể cả các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện dựa vào các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và vốn xã hội hóa, tự huy động. Hiện số giường bệnh trên vạn dân đã tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 24 giường năm 2015 – không kể trạm y tế (vượt chỉ tiêu đề ra là 23,5 giường/vạn dân). Bên cạnh đó, trong năm 2016 này, nhiều cơ sở 2, khu điều trị kỹ thuật cao của nhiều BV sẽ tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, các giải pháp tổng thể đã được triển khai tích cực và đồng bộ cho việc giảm tải BV như cải tiến quy trình khám bệnh để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Đến nay, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh. Đồng thời, ngành y tế đẩy mạnh phát triển mạng lưới BV vệ tinh; đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ để nâng cao năng lực cho tuyến dưới.
Đối với nhiệm vụ đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Trong những năm qua, các giải pháp được thực hiện theo hướng đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân; tăng cường xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển y tế đã được triển khai đồng bộ, song song với nhau. Cũng liên quan đến công tác tài chính y tế, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP đã đưa ra lộ trình đến năm 2018, giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá. Việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế giúp các cơ sở khám chữa bệnh có thêm nguồn thu trang trải các chi phí phục vụ người bệnh, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên.
Đối với nhiệm vụ thực hiện Luật BHYT và lộ trình BHYT toàn dân. Trong những năm qua, Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH Việt Nam và các Bộ ngành, đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT, trong đó đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT được mở rộng từ 60,9% năm 2010 lên 71,6% năm 2014 và đã đạt con số 76,52% dân số năm 2015 (vượt chỉ tiêu năm 2015 là 75,4%).
Đối với nhiệm vụ tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Xác định y tế cơ sở là “xương sống” của hệ thống y tế và y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, nắm cụ thể về vấn đề y tế của địa phương nhất, gắn với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, do đó trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự quyết liệt của ngành y tế, mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và bao phủ rộng khắp toàn quốc. Các hoạt động y tế dự phòng triển khai sâu rộng nên ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm bên ngoài xâm nhập, dịch bệnh trong nước lây lan bùng phát. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai hiệu quả tại mạng lưới y tế cơ sở như Tiêm chủng mở rộng, Phòng chống suy dinh dưỡng, Chăm sóc sức khỏe bà mẹ – trẻ em, Dân số – kế hoạch hóa gia đình, Giám sát dịch bệnh,… nhờ đó chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Đối với nhiệm vụ phát triển nhân lực y tế. Thực tế cho thấy, số lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể qua các năm, số bác sĩ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên 8,0 năm 2015, số dược sĩ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên 2,2 năm 2015. Nhằm giải quyết việc thiếu hụt nhân lực trong một số lĩnh vực và các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, một số chính sách, dự án đã được ban hành và triển khai thực hiện như Đề án Khuyến khích đào tạo và Phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh giai đoạn 2013-2020; Dự án Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện… Hệ thống các cơ sở đào tạo về y, dược được củng cố, sắp xếp lại và từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tại các BV đầu ngành đều thành lập các trung tâm đào tạo – chỉ đạo tuyến để đào tạo chuyên sâu, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến dưới.
Đối với nhiệm vụ thí điểm khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ngành y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích kết hợp công – tư theo Nghị quyết 93, tạo điều kiện cho các BV cũng như các địa phương tự chủ đầu tư, huy động đầu tư cho y tế theo hướng xã hội hóa, tự chủ và cạnh tranh lành mạnh. Một số BV đã xây dựng khu khám bệnh theo yêu cầu nằm trong khuôn viên BV với một số buồng bệnh có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các bệnh nhân tự nguyện.
Đối với nhiệm vụ nâng cao hiệu quả thông tin – truyền thông – giáo dục sức khỏe. Ngành y tế đã từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy truyền thông, song song với triển khai hoạt động Người phát ngôn và bộ phận thực hiện công tác truyền thông trong các đơn vị của ngành y tế, đồng thời chủ động phối hợp các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí để cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội chính xác, kịp thời,… Vì thế, từ chỗ “khủng hoảng về truyền thông”, nhiều việc tốt, có ý nghĩa của ngành, nhiều tấm gương thầy thuốc “hy sinh thầm lặng” không được xã hội biết, đến nay những việc làm của ngành y đã dần được cộng đồng chia sẻ, ghi nhận và đánh giá cao.
PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2015 có một điểm nhấn đặc biệt là ngành y tế đã ban hành Kế hoạch “Đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Xin Bộ trưởng cho biết, vì sao ngành y tế lại quyết liệt thực hiện việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Từ trước tới nay, ngành y tế luôn quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng và giáo dục y đức. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành y tế đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và nhân dân đánh giá cao. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế tận tụy phục vụ nhân dân, hết lòng, hết sức chăm sóc, cứu chữa người bệnh đã được nêu gương. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng cán bộ y tế chưa thực hiện đúng quy trình quy định về chuyên môn, kỹ thuật, rồi có thái độ thờ ơ, cáu gắt, thiếu hòa nhã trong giao tiếp, ứng xử, gây phiền hà cho người bệnh, gia đình người bệnh…
Để thực hiện được Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, ngành y tế đã đề ra các giải pháp đồng bộ. Trước tiên là việc thiết lập và duy trì hệ thống Đường dây nóng trong toàn ngành y tế. Toàn ngành tổ chức những cuộc tập huấn và ký cam kết thực hiện những quyết tâm đổi mới từ bác sĩ đến điều dưỡng, nhân viên trong các cơ sở BV. Trong kế hoạch này cũng đưa ra yêu cầu thay đổi về trang phục cán bộ y tế cho phù hợp với nhiệm vụ công việc để người bệnh, người nhà bệnh nhân dễ phân biệt. Việc duy trì, củng cố Hòm thư góp ý tại các BV cũng được tiếp tục để lắng nghe ý kiến góp ý của người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả chính nhân viên y tế. Ngoài ra, tại các BV đã xây dựng đội ngũ thanh niên tình nguyện để giúp đỡ người bệnh, người nhà bệnh nhân, tạo nên những hình ảnh đẹp trong BV.
Cũng phải nói thêm, việc ngành y tế quyết liệt triển khai Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” nhằm hướng tới quyền lợi của người bệnh, đồng thời cũng chính là vì sự phát triển bền vững của y tế Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cắt băng khánh thành Tòa nhà kỹ thuật cao tại Bệnh viện Việt Đức Ảnh: Trần Minh
PV: Bộ trưởng luôn đặt mình vào vị trí người dân để có những chỉ đạo, xử lý các vấn đề “nóng” liên quan đến những đòi hỏi thiết thực của cộng đồng về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Xin Bộ trưởng chia sẻ về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thực tế cho thấy, ngành y là ngành liên quan trực tiếp, mật thiết đến sức khỏe và tính mạng người dân nên chúng tôi luôn phải chịu nhiều áp lực, từ tình trạng quá tải BV, từ dịch bệnh mới nổi ngày càng gia tăng, diễn biến nguy hiểm và cả khó khăn về đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, hay như việc bảo đảm đủ thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, rồi đến việc xây dựng các chính sách y tế như: BHYT, khám chữa bệnh cho người nghèo, người sinh sống ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo… Đồng thời, đặc thù nghề nghiệp đã khiến ngành y trở thành một ngành “đặc biệt” luôn phải làm việc với nhiều áp lực, căng thẳng cao độ bởi chỉ một chút sơ sẩy nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh.
Để có thể làm tốt công việc của mình, tôi cho rằng cần phải nắm chặt chẽ, kỹ lưỡng tình hình thực tế. Vì thế, bên cạnh những chỉ đạo chung hoạt động của toàn ngành, việc đến kiểm tra, thăm y tế cơ sở để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, sẻ chia và giúp y tế cơ sở tháo gỡ khó khăn, đồng cảm hơn với người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Đến nay, tôi đã đi hơn 60 tỉnh, thành phố đến tận các trạm y tế xã, phường, huyện đảo nắm tình hình cụ thể sau đó mới làm việc với chính quyền địa phương. Đây chính là nhiệm vụ và sự thôi thúc lương tâm trách nhiệm của người lãnh đạo. Bên cạnh đó, thời gian qua cùng với việc tiếp nhận thông tin về ngành từ Đường dây nóng y tế, từ các phương tiện truyền thông, tôi cũng lập thêm trang fanpage “Bộ trưởng Bộ Y tế” để lắng nghe, sẻ chia những tâm tư, nguyện vọng của các đồng nghiệp trong ngành, của người dân liên quan đến ngành y. Từ những chuyến đi về cơ sở, từ những ý kiến của người dân trên báo chí, mạng xã hội đã giúp cho tôi và các cán bộ quản lý cấp vụ, cục, tổng cục, thanh tra Bộ… có thêm thông tin, kinh nghiệm để có những chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác y tế nói chung, cho vấn đề phòng bệnh và điều trị, đưa ra những quyết sách phù hợp với mong muốn chính đáng của người dân.
Trong giai đoạn vừa qua, tôi cũng như tất cả cán bộ viên chức trong ngành cũng phần nào được động viên vì kết quả bước đầu thu được từ những việc đã triển khai. Chúng tôi cũng rất cảm kích và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của người dân, cả ý kiến khen ngợi cũng như những ý kiến phản biện, thậm chí bức xúc của người dân đối với ngành y tế. Vẫn biết, có những tồn tại ngành y tế chưa thể khắc phục ngay trong “một sớm, một chiều”, do đó, chúng tôi mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các Bộ, ngành chức năng, của chính quyền các địa phương để ngày càng phục vụ tốt hơn người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng rất cần người dân và xã hội cùng đồng hành, chia sẻ với những khó khăn, đánh giá đúng sự đóng góp của ngành đối với sự phát triển chung của đất nước và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết, trọng tâm ưu tiên của ngành y tế trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Phát huy kết quả đạt được của năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, ngành y tế tiếp tục tập trung vào 9 nhiệm vụ như sau:
1. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; hiện đại hóa và kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền y học hiện đại, giữa phòng bệnh và chữa bệnh.
2. Tập trung, ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình và lồng ghép mô hình bác sĩ gia đình vào y tế tuyến cơ sở.
3. Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu phù hợp với tình hình mới, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng; chủ động phòng chống các bệnh dịch.
4. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong công tác phòng bệnh và khám, phát hiện và điều trị. Đổi mới công tác đào tạo cán bộ y tế, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
5. Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế.
6. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, hoàn thành việc chuyển ngân sách cấp cho các BV sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và thực hiện BHYT toàn dân, ưu tiên ngân sách cho y tế dự phòng.
7. Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế theo hướng cơ quan quản lý dược – thực phẩm, trang thiết bị y tế.
8. Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng giảm đầu mối, phù hợp với hội nhập quốc tế nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực các tuyến.
9. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, kết hợp với các tổ chức chính trị – xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
PV: Trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe Bộ trưởng!
Nguồn -Thái Bình(thực hiện))