Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Hiện bác sĩ ở tuyến huyện các tỉnh miền núi còn rất thiếu, cả về số lượng và chất lượng. Các chuyên khoa thiếu nhiều nhất là sản, nội, ngoại, hồi sức cấp cứu, nhi vv…Vì thế, Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện nhằm tăng cường bác sĩ có chuyên môn cao để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các vùng đặc biệt khó khăn. Đến 2020 sẽ đưa khoảng 300- 500 bác sĩ trẻ về các vùng khó khăn, giải quyết sự thiếu hụt về nhân lực, nâng cao chất lượng y tế, góp phần đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền, đồng thời giảm quá tải cho tuyến trên. Nhu cầu của các huyện nghèo cần khoảng 600 bác sĩ các chuyên khoa và sau 6 năm, Dự án đang đào tạo 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên khoa.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế phát biểu tại Lễ bàn giao
TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, giám đốc dự án phát biểu tại Lễ bàn giao
Theo TS. Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ (Bộ Y tế), các bác sĩ trẻ tình nguyện được lựa chọn từ những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, bác sĩ nội trú. Thời gian công tác tình nguyện là 3 năm với nam và 2 năm với nữ. Sau thời hạn trên, họ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện tuyến Trung ương, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo, sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện, Trung tâm y tế (TTYT) huyện nghèo.
GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ trẻ được Bộ Y tế xây dựng và thẩm định, trong đó, phần thực hành tay nghề chiếm 70%. Để các bác sĩ trẻ có thể chủ động làm tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện sau khi tốt nghiệp, Trường có chế độ đào tạo cho họ như bác sĩ nội trú, đồng thời, giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên.
GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao Bằng tốt nghiệp cho các bác sĩ trẻ
|
Vì thế, khi về cơ sở, các bác sĩ đã phát huy ngay được khả năng, cứu sống được nhiều người bệnh nguy kịch mà nếu phải chuyển tuyến sẽ không qua khỏi. Các bác sĩ đã làm được 56 kỹ thuật ngoại như cắt ruột thừa, u buồng trứng, mổ nội soi chửa ngoài tử cung; 53 kỹ thuật nhi, trong đó có các kỹ thuật cao như chọc dịch não tủy, nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh …; 62 kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh; 72 kỹ thuật sản; 37 kỹ thuật truyền nhiễm, 43 kỹ thuật nội v.v…
“Với sự có mặt của các bác sĩ tình nguyện, hiện TTYT huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, đã làm được nhiều kỹ thuật cao trong như lĩnh vực nội, sản, nhi chẩn đoán hình ành v.v…, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, chủ động trong cấp cứu người bệnh” – BS Nguyễn Văn Minh – Giám đốc TTYT huyện Điện Biên Đông cho biết.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức ký cam kết đào tạo các bác sĩ trẻ tình nguyện cho các vùng khó khăn
|
Trong số các bác sĩ trẻ tình nguyện, nhiều người tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong như bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (TTYT huyện Mường Nhé, Điện Biên) được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu 2017 và bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, Lào Cai) cũng là một trong 10 bác sĩ trẻ tiêu biểu năm 2018.
GS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức – đánh giá cao nỗ lực học hỏi của các bác sĩ trẻ về ngoại khoa, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, để có tay nghề vững vàng, chủ động và độc lập khám, chữa bệnh cho người dân. Sự cố gắng của các bác sĩ trẻ giúp cho bà con được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại các vùng khó khăn và nhiều người còn được cứu chữa kịp thời. Đây cũng là “phòng tuyến” giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên như Việt Đức.
“Là một địa chỉ uy tín, Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục đào tạo các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia Dự án bảo đảm chất lượng chuyên môn, để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn một cách hiệu quả” – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chỉ đạo.
Một số hình ảnh