Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn- Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y Tế

Archives for Tháng Năm 2019

Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ : Về thí điểm tự chủ của 04 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế

Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ của 04 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế

Chi tiết nội dung Nghị quyết xem tại đây

Những tấm gương bác sỹ trẻ tình nguyện

HQ Online) – Đối với những người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, thời gian qua nhiều bác sỹ trẻ có trình độ tình nguyện về vùng khó khăn công tác đã mở ra nhiều hy vọng mới, giúp củng cố nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

nhung tam guong bac sy tre tinh nguyen Sẽ có thêm nhiều bác sỹ trẻ tình nguyện về các vùng khó khăn công tác
nhung tam guong bac sy tre tinh nguyen Câu chuyện xúc động về những bác sỹ trẻ thắp sáng lòng tin ngành y
nhung tam guong bac sy tre tinh nguyen Bộ Y tế tiếp tục đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn
nhung tam guong bac sy tre tinh nguyen Chính thức đưa 500 bác sỹ trẻ về vùng khó khăn
nhung tam guong bac sy tre tinh nguyen
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật nội soi ruột thừa tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: D.N.

Tình nguyện “lên non”

Nguồn nhân lực y tế, đặc biêt là nhân lực chất lượng cao tại các vùng cao, vùng khó khăn đang là bài toán khó giải của ngành Y. Trong chuyến công tác về một số tỉnh vùng cao như Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên… vừa qua, phóng viên có dịp tới thăm và làm việc với một số cơ sở y tế. Qua tìm hiểu thực tế của các cơ sở này phóng viên nhận thấy tình trạng thiếu nhân lực thực sự là vấn đề nan giải.

Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện nay tại 62 huyện nghèo của cả nước đang thiếu khoảng 600 bác sỹ. Trước thực tế nêu trên, Bộ Y tế đã triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (gọi tắt là Dự án 585).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng, xã hội. “Các bác sỹ này đã tình nguyện dành những ngày tháng tươi đẹp để chăm sóc sức khoẻ cho người dân ở các huyện nghèo của nhiều tỉnh miền núi”, Bộ trưởng Y tế nói.

Trong chuyến công tác về Điện Biên thời gian qua, phóng viên có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với bác sỹ trẻ Nguyễn Văn Hiếu- một trong các bác sỹ trẻ tình nguyện theo Dự án 585 được về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, phóng viên thấu hiểu hơn nghị lực và tấm lòng của những bác sỹ trẻ tình nguyện.

Theo bác sỹ Hiếu, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé còn thiếu về nhân lực nên bác sỹ luôn cố gắng làm việc cả Nội khoa, Nhi khoa, Sơ sinh, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm… Ðể làm được những việc đó, Hiếu đều phải học tập, nghiên cứu và sử dụng thành thạo các loại máy móc, thiết bị kỹ thuật, nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác chẩn đoán, điều trị. Những vất vả, khó khăn đã giúp vị bác sĩ trẻ rèn luyện, trưởng thành trong công việc và luôn dốc toàn tâm toàn sức cứu chữa bệnh nhân.

Đến nay, bác sỹ Hiếu đã thực hiện thành công hơn 700 ca mổ như mổ lấy thai, phẫu thuật cấp cứu chửa ngoài tử cung, cắt tử cung toàn phần. Trong đó, nhiều ca bệnh nặng như nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, viêm não, viêm màng não mủ, viêm phổi nặng, suy hô hấp, uốn ván sơ sinh, co giật trẻ em, chấn thương sọ não, tai biến, suy gan, suy thận… Ngoài ra bác sỹ còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp tại đơn vị công tác, trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.

Dù vất vả nhiều, song theo chia sẻ của bác sỹ Hiếu, trong suốt thời gian khám bệnh cho bà con nơi đây anh có rất nhiều kỷ niệm vui, đáng nhớ. “Người bệnh phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, họ sống rất chân thật và nghĩa tình, đôi khi cảm ơn bác sỹ bằng hoa quả, gạo nếp. Không nhận thì họ không “ưng cái bụng”, cho nên đành nhận, rồi sau đó sẽ chuyển cho nhà bếp để nấu cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo”, bác sỹ Hiếu kể.

Ngoài bác sỹ Hiếu, bác sỹ trẻ Trần Thị Loan và Cao Thị Hồng Yến (29 tuổi) là hai nữ bác sỹ đầu tiên xung phong về khám chữa bệnh ở vùng khó khăn theo Dự án 585 của Bộ Y tế. Cả hai được phân về Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai.

Theo chia sẻ của bác sỹ Trần Thị Loan, làm việc tại đây chị và đồng nghiệp luôn căng mình với những ca trực 24 giờ, không kể cuối tuần hay ngày lễ. Áp lực nhất, bất lực nhất là khi không đủ máy móc để điều trị. Những lúc ấy, chị và đồng nghiệp phải linh hoạt để xử lý tình huống.

Cũng theo bác sỹ Loan, gần hai năm ở đây, hai nữ bác sỹ gặp không biết bao nhiêu ca bệnh khó. Khó nhất là bà con không biết nói tiếng Kinh và tư duy chữa bệnh bằng cúng bái, mê tín cũng khiến công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. “Nhiều lúc tôi và đồng nghiệp mất nhiều thời gian, nhẹ nhàng giải thích cho bà con hiểu để tin tưởng và nghe theo cách điều trị của mình”, bác sỹ trẻ vui vẻ kể.

Cần chiến lược dài hơi

Nói về thực tế nhân lực y tế tại địa phương, ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho hay, những năm qua tỉnh Hà Giang đã cử người đi đào tạo cho cho y tế nhưng đào tạo bao nhiêu cũng vẫn không xuể, nguồn nhân lực luôn trong tình trạng “thiếu trước hụt sau” tại các huyện nghèo, huyện khó khăn. “Những năm qua, chúng tôi đã tuyển bác sỹ đi học để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, thật đáng buồn bởi nhiều bác sỹ sau khi học xong, được phân công về công tác ở các huyện như Mèo Vạc, Đồng Văn đều không nhận”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang Lương Viết Thuần thông tin.

Trao đổi với phóng viên về thực tế này, bác sỹ Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc, tỉnh Đồng Văn cho biết, hiện tại BVĐK huyện Mèo Vạc đang có một bác sĩ trẻ đã được tuyển dụng từ bệnh viện trung ương, đến công tác theo Dự án 585. Tuy nhiên, thời gian công tác tại đây của bác sỹ quá ngắn, chỉ 2 năm (đối với bác sỹ nữ, 3 năm với bác sỹ nam). Như vậy, sau 2-3 năm, khi mới bắt đầu quen dần ngôn ngữ, các mặt bệnh thì bác sỹ trẻ lại trở về Trung ương.

Vậy làm thế nào để “giữ chân” các bác sỹ ở lại công tác tại những vùng khó khăn dài lâu là câu hỏi đang đặt ra với các cơ sở y tế. “Nếu như đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác thì chỉ 2- 3 năm, các bác sỹ quay trở về Trung ương, các cơ sở y tế lại rơi vào cảnh khó khăn. Vì vậy, Sở Y tế tỉnh rất mong muốn Dự án 585 đưa thêm nhiều bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng cao, nối tiếp các bác sỹ đã chuyển đi hoặc hướng tới việc đào tạo các bác sỹ ngay tại địa phương, để đầu tư bền vững hơn, vì với đội ngũ bác sỹ đang sinh sống và làm việc ngay tại địa phương, họ sẽ gắn bó lâu dài với bệnh viện”, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần chia sẻ.

Còn Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, Nguyễn Văn Thắng kiến nghị, cần có chính sách thu hút ưu đãi đối với các bác sỹ về công tác tại vùng sâu, vùng khó khăn, đặc biệt, cần có chế độ đào tạo với bác sỹ liên thông, bởi thời gian qua toàn bộ các bác sỹ liên thông trên địa bàn huyện dự thi và xét tuyển không đỗ trường hợp nào để đi học nâng cao chuyên môn hệ đại học. “Còn nếu mở rộng đối tượng tham gia Dự án là các bác sỹ của địa phương, ngành Y tế cũng cần có chế độ ưu đãi ngành và phụ cấp cơ sở cho các bác sĩ địa phương để họ yên tâm công tác lâu dài”, bác sỹ Thắng kiến nghị.

Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, trước những đề xuất trên của tuyến y tế cơ sở về xét tuyển ưu tiên đối tượng liên thông tại các vùng sâu, vùng xa, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi đối với các đối tượng là người của địa phương có nguyện vọng và đủ sức học tập và đây sẽ là ưu tiên quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao tại vùng khó.

D.Ngân

Khảo sát địa điểm tổ chức Lễ bàn giao bác sỹ trẻ tình nguyện khóa 6 tại Quảng Nam

Từ ngày 21-22/5/2019, Đoàn công tác của Bộ Y tế Vụ Tổ chức cán bộ do TS. Phạm Văn Tác, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, các đồng chí là lãnh đạo, chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, Lãnh đạo Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Trường Đại học Y Dược Huế đã có đợt khảo sát cơ sở hạ tầng, địa điểm dự kiến tổ chức Lễ bàn giao bác sỹ trẻ tình nguyện khóa 6 tại huyện Phước Sơn và Nam Giang tỉnh Quảng Nam.

Về phía tỉnh Quảng Nam có Đ/c Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc  Sở Y tế, các đồng chí là Lãnh đạo UBND, Trung tâm Y tế hai huyện Nam Giang và Phước Sơn.

Tại buổi làm việc với hai huyện nghèo, đại diện của Vụ Tổ chức cán bộ đã trình bày tóm tắt kế hoạch, các nội dung và dự kiến thời điểm tổ chức Lễ bàn giao. Lãnh đạo hai huyện đều thống nhất quan điểm mong muốn được tổ chức tại địa phương

Sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế một số địa điểm tổ chức Lễ bàn giao và các hoạt động được tổ chức cùng buổi Lễ

Một số hình ảnh

Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và học tập chuyên đề năm 2019 với chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Chiều 8/5/2019, tại Bộ Y tế, Đảng ủy Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  và học tập chuyên đề năm 2019 với chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Đến dự Hội nghị, về phía  Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương có đồng chí Vũ Đức Nam, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; về phía Đảng ủy Bộ Y tế có đồng chí Nguyễn Viết Tiến, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, Đồng chí Phạm Văn Tác, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Đồng chí Nguyễn Minh Lợi, Phó bí thư Đảng ủy cùng các đồng chí là Cấp ủy, lãnh đạo, Phụ trách công tác Đảng các Vụ Cục Viện, Văn Phòng, Tổng cục trực thuộc Bộ

Trong khuôn khổ hội nghị, với những thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 05/TC-TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi Bộ Vụ Tổ chức cán bộ, cá nhân Đồng chí Phạm Văn Tác – Bí thư chi Bộ, Đồng chí Nguyễn Tuấn Hưng, phó Bí thư chi Bộ đã được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tặng Giấy khen. Đặc biệt cá nhân đồng chí Phạm Văn Tác – Ủy viên Ban cán sự Đảng, phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ vinh dự đón nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

Một số hình ảnhĐồng chí Vũ Đức Nam trưởng Ban tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Phạm Văn Tác, Ủy viên ban cán sự Đảng, Phó bí thư Đảng ủy Bộ Y tế

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Viết Tiến trao Giấy khen cho các chi Bộ có thành tích xuất sắc

Bản quyền thuộc về Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y Tế. All rights reserved - Thiết kế web giá rẻ Minh Dương
phòng marketing thuê ngoài | báo giá dịch vụ seo