Infonet: Giao lưu trực tuyến: Nâng chất lượng bệnh viện để người bệnh hài lòng

Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế.

TIN LIÊN QUAN

Y đức, tinh thần thái độ phục vụ và quy tắc ứng xử của nhân viên y tế được tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu bác sỹ, kỹ thuật viên chuyên khoa tại tuyến tỉnh, tuyến huyện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế mới được tuyển dụng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh tại một số cơ sở KCB còn nhiều hạn chế, nhất là y tế tuyến xã, phường, thị trấn. Nhân dân còn phản ánh về trình độ chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân của một bộ phận cán bộ y tế; cơ sở hạ tầng của một số bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức…

Với mục tiêu, tiếp tục xây dựng hệ thống KCB theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, góp phần cải thiện nguồn nhân lực. Ngành chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ mới được tuyển dụng, để đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở KCB, ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở thực hiện phân vùng theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ công tác KCB; tổ chức thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp.

Sau 3 năm thực hiện Hướng tới sự hài lòng của người bệnh,các bệnh viện đã có nhiều thay đổi và người bệnh trở thành “thượng đế”, các bệnh viện tự thay đổi mình để “hút”bệnh nhân từ chuyên môn tới các thủ tục hành chính, phong cách phục vụ.

Để thông tin cặn kẽ hơn nữa tới bạn đọc những việc đã làm, đang làm của Bộ Y tế hướng tới đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, đồng thời tuyên truyền sâu rộng về ý thức, trách nhiệm cán bộ y tế, cũng như quyền lợi và trách nhiệm của người dân khi tiếp cận dịch vụ y tế, Báo Infonet.vn cùng với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: Chất lượng bệnh viện để người bệnh bấm nút hài lòng. Cuộc giao lưu có sự tham gia của các vị khách mời là các cán bộ làm công tác quản lý của Bộ và trực tiếp tổ chức việc khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Cuộc giao lưu trực tuyến này là dịp để bạn đọc và các chuyên gia khách mời cùng chia sẻ, trao đổi về những vấn đề liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh hiện nay. Qua đây, bạn đọc có thể biết được phương hướng và các giải pháp của ngành Y để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh; tìm hiểu những quyền lợi và trách nhiệm của người dân khi tiếp cận các dịch vụ y tế, những kênh thông tin như đường dây nóng, hòm thư góp ý… để người dân kịp thời phản ánh khi gặp khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh; Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Khách mời tham gia chương trình:

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng – Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế

TTƯT, BSCKII Vi Hồng Kỳ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, Sơn La

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho buổi Giao lưu trực tuyến vào địa chỉ Email toasoan@infonet.vn

Sau đây là nội dung giao lưu trực tuyến: Chất lượng bệnh viện để người bệnh bấm nút hài lòng

Câu hỏi: Bệnh viện đã có những kế hoạch gì để hướng dẫn, đào tạo lại thái độ đội ngũ của mình, hay việc làm này chỉ ở tính chất tuyên truyền? Phía bệnh nhân có phản hồi gì với bệnh viện không?
Nguyễn Thị Yên (Linh Đàm, Hà Nội)

TTƯT – BSCKII Vi Hồng Kỳ: Kế hoạch bệnh viện đã thành lập hội đồng theo quyết định 2151/QĐ BYT về Đổi mới phong cách thái độ phục hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bệnh viện thành lập Ban chỉ đạo do Giám đốc BV làm trưởng ban, các thành viên là các phòng ban của bệnh viện. Bên cạnh đó, BV thành lập tổ công tác xã hội để hỗ trợ cho người bệnh trong quá trình khám chữa cho người bệnh tại Bệnh viện và hỗ trợ bệnh nhân từ xa qua tổng đài của tổ chắc sóc khách hàng. Nguời bệnh ra viện có thể xin thông tin của bệnh viện về khám chữa bệnh hoặc đăng ký khám chữa bệnh từ xa.

Hàng năm thì Bệnh viện mời các công ty đào tạo kỹ năng mềm như Công ty Tâm Việt đến để tập huấn về kỹ năng mềm trong giao tiếp ứng xử với người bệnh. Chính nhờ việc đó, đã giúp cho công tác phục vụ bệnh nhân nâng lên và giúp cho bệnh viện có thông tin phản hồi của người bệnh đến bệnh viện, nâng cao chất lượng phục vụ của người bệnh cho bệnh viện.

Ngoài ra, hai năm 1 lần bệnh viện tổ chức Hội thi Điều dưỡng, kỹ thuật viên hộ sinh giỏi – thanh lịch để nâng cao thái độ phục vụ của mỗi cán bộ điều dưỡng, hộ lý trong bệnh viện. Nâng cao chất lượng tay nghề phục vụ, tạo sự gần gũi liên kết giữa người bệnh với nhân viên y tế.

Có chương trình chấm điểm cho bệnh viện, là giám đốc của bệnh viện, ông tự chấm cho bệnh viện mình bao nhiêu điểm?
Vũ Thị Hường (huongvu.kig@gmail.com)

TTƯT Vi Hồng Kỳ: Theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện có 83 tiêu chí (5 điểm) thì Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã đạt 3,56 điểm do đoàn thẩm định của Sở Y tế Sơn La chấm.
Chúng tôi cũng tự chấm cho mình là 3,51 điểm trong thang điểm 5.

Câu hỏi: Tôi đã từng đưa bác tôi đi khám bệnh ở Bệnh viện K trung ương, tôi được biết bệnh viện có ký cam kết làm hài lòng người bệnh nhưng thực sự bác sĩ ở đó lạnh lùng, khám mà cứ gắt gỏng trong khi bác tôi đang đau đớn vì bệnh tật họ chỉ hỏi sao, cái gì? Tôi chỉ thấy họ nói trống không khi bác tôi đã ngoài 70 còn cô bác sĩ kia chắc chỉ hơn tôi 1,2 tuổi. Tôi xin hỏi câu hỏi: Bộ Y tế đã triển khai việc hài lòng người bệnh đến những cơ sở y tế nào?

Nguyễn Văn Tân (Văn Lâm, Hưng Yên)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Tôi xin chia sẻ với bạn và người nhà bạn về câu chuyện này. Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt tới 100% các cơ sở y tế, kể cả các cơ sở y tế xã phường, khuyến khích y tế tư nhân thực hiện kế hoạch 2151 – thay đổi phong cách thái độ của cán bộ y tế. Và cử các đoàn liên tục đi đánh giá, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở.

Đối với Bệnh viện K, bản thân tôi đã được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo trực tiếp tổ chức 3 lớp tập huấn cho 100% viên chức Bệnh viện K (khoảng 1.0000 người).
Thời gian qua, Bệnh viện K đã tích cực triển khai, áp dụng nhiều biện pháp như: nhắc nhở hàng ngày trên giao ban, tiến hành giám sát nội bộ, xây dựng khu lưu trú cho người nhà người bệnh, và xây dựng quy chế thưởng phạt. Đến nay,đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như tình trạng nằm chung giường của bệnh nhân giảm, thời gian chờ đợi khám, làm xét nghiệm được rút ngắn, tiêu cực trong bệnh viện giảm đáng kể…
Tuy nhiên, có thể vẫn có cán bộ, nhân viên của bệnh viện thực hiện chưa nghiêm quy định của Bộ Y tế, của bệnh viện. Nguyên nhân có thể có nhiều:
+ Tình trạng quá tải; gánh nặng công việc lớn, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng
+ Kỹ năng giao tiếp chưa tốt;
Theo tôi, người bệnh và người nhà người bệnh khi gặp những tình huống trên thì phản ánh trực tiếp với lãnh đạo bệnh viện hoặc qua đường dây nóng, hộp thư góp ý…để Bộ Y tế hoặc bệnh viện K xử lý kịp thời.

Câu hỏi: Tôi chỉ nghe nói làm sao để phục vụ bệnh nhân mà không thấy có quy định nào về hành xử của bệnh nhân và người nhà khi tới bệnh viện. Tôi nghĩ để hài hoà một chiều rất khó. Bệnh viện có biện pháp nào để làm cho quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân hài hoà hơn không?
(Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh)

TTƯT Vi Hồng Kỳ: Hiện nay có các quy định về nhân viên y tế quy định đối với nhân viên y tế trong công tác giao tiếp, ứng xử với người bệnh. Nhưng còn vấn đề về cách ứng xử của người bệnh đối với nhân viên y tế thì còn phụ thuộc vào sự hiểu biết của từng người bệnh. Về vấn đề này, tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu ban Giám đốc đã quán triệt rất rõ với cán bộ viên chức. Trong quá trình khám chữa bệnh, chia sẻ đầy đủ thông tin về kết quả khám chữa bệnh với người bệnh như thế nào và chia sẻ những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh tại cơ sở để bệnh nhân có những thông tin đầy đủ về bệnh tình của họ cũng như những khó khăn tại tuyến cơ sở, để có những đồng cảm và có tiếng nói chung và đưa khoảng cách giữa người bệnh và nhân viên y tế gần nhau hơn và tránh được những hiểu lầm không cần thiết, tạo ấn tượng tốt giữa nhân viên y tế và người bệnh.
Khi bệnh nhân ra viện, bệnh nhân cần thông tin khoa phòng thì nhân viên phải cung cấp số điện thoại khoa phòng, tổ công tác xã hội để thông tin, tư vấn chuyên môn từ xa cho người bệnh.

Câu hỏi: Các bệnh viện đang xây dựng quy trình 5s. Bệnh viện của ông triển khai như thế nào? (hoang.hai@htp.com)

TTƯT Vi Hồng Kỳ: Tháng 7/2018, Bệnh viện đã triển khai quy trình 5 s tại tất cả các khoa phòng trong Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu. Quy trình 5 s là viết tắt của sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng.
Sàng lọc: những cái không cần thiết sẽ bỏ đi, cần thiết sẽ làm trước.
Sắp xếp: mọi thứ ngăn nắp và đúng chỗ của nó để tiện sử dụng khi cần,
Sạch sẽ: Vệ sinh, quét dọn, lau chùi mọi thứ gây bẩn nơi làm việc
Săn sóc: Đặt ra các tiêu chuẩn cho 3 s nói trên và thực hiện liên tục
Sẵn sàng: Tạo thói quen tự giác duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc để mọi thứ sẵn sàng.
Qua thực hiện 5 s tại bệnh viện đã nâng cao ý thức cán bộ viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, tạo môi trường cảnh quan của Bệnh viện xanh sạch đẹp và tạo nên phong cách sẵn sàng phục vụ người bệnh.
Chính những điều này đã giúp nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, tạo sự công bằng cho công tác khám chữa bệnh, giảm sự phiền hà.

Câu hỏi: Bệnh nhân đi khám theo bảo hiểm y tế thường phải xếp hàng rất lâu để xếp sổ y bạ, làm các thủ tục giấy tờ khá phức tạp. Hiện nay, internet phát triển, vậy bệnh viện có biện pháp nào để “số hoá” việc làm thủ tục giấy tờ tái khám không, nhằm tiết kiệm thời gian cũng như đỡ mệt mỏi cho các bệnh nhân?
Nguyên Lê Giang (Long Biên, Hà Nội)

TTƯT BSCKII Vi Hồng Kỳ: Từ năm 2015, Bệnh viện đã triển khai lấy số tự động, phân công cán bộ hướng dẫn cho người bệnh khi đến viện được bố trí phòng khám hợp lý, tránh tình trạng dồn bệnh nhân cục bộ vào từng phòng khám. Hệ thống này giúp phân luồng người bệnh từ khu khám bệnh đến khu xét nghiệm và quy trình vào nhập viện một cách khoa học tránh tình trạng ùn tắc cục bộ ở từng khu vực, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, rút ngắn các thời gian làm các xét nghiệm.
Bên cạnh đó, tổ công tác xã hội hỗ trợ bệnh nhân lấy số khám bệnh từ xa bằng cách đăng ký qua điện thoại và hẹn bệnh nhân đến viện những giờ thích hợp tránh bệnh nhân phải chờ đợi lâu.
Chính vì điều này, chất lượng phục vụ người bệnh đã được nâng cao rõ rệt.
Câu hỏi: Xin hỏi ông Hưng, việc tuyên truyền thay đổi thái độ phục vụ hướng tới bệnh viện là doanh nghiệp, người bệnh là thượng đế. Quan điểm của ông như thế nào về việc “người bệnh làm thượng đế”. Khi kinh doanh chắc chắn sẽ phải có lãi, thượng đế được phục vụ hết mình liệu có đảm bảo được bệnh viện không trở thành “máy chém” người bệnh không? 

Hoàng Văn (hoang.van@baogiaothong)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Về câu hỏi này, tôi xin trả lời như sau: Quan điểm của Bộ Y tế là việc thực hiện cung cấp các dịch vụ y tế hướng tới công bằng, hiệu quả, lấy bệnh nhân làm trung tâm.
Nhà nước chưa có chủ trương cổ phần hóa các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước giảm dần bao cấp, các cơ sở y tế phải đổi mới cơ chế tài chính nhằm huy động kinh phí, các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Câu hỏi: Thời gian qua có nhiều vụ việc bạo lực trong cơ sở y tế, bác sĩ bi hành hung, tôi chỉ thấy Bộ Y tế kêu gọi nhân viên thay đổi làm hài lòng người bệnh, trong khi đó nhân viên y tế chúng tôi thì luôn phải cười còn người bệnh sẵn sàng đưa văn hoá hàng cá, hàng thịt vào mặt chúng tôi. Vậy, Bộ Y tế có cách nào để giúp chúng tôi có thể bấm nút hài lòng người bệnh không?
(Bác sĩ Hà)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Tôi rất chia sẻ với trăn trở của bạn bởi vì trên thực tế trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ bạo hành nhân viên y tế đã có đồng nghiệp của chúng ta phải ra đi do người nhà người bệnh hành hung.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã thực hiện một loạt các hoạt động nhằm bảo vệ nhân viên y tế như: Bộ Y tế đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bỏ sung điều luật trong Bộ Luật hình sự; Ký Quy chế phối hợp với Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Chỉ thị về tăng cường an ninh bệnh viện; Tổ chức các hội nghị an ninh bệnh viện; tổ chức kiểm tra công tác an ninh Bệnh viện..
Bộ Y tế đã ký quy chế phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương tăng cường tuyên truyền để người dân thấu hiểu gánh nặng công việc, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ y tế… Qua đó tạo sự hài lòng lẫn nhau.

Câu hỏi: Trong cam kết hài lòng người bệnh có tiêu chí không vụ lợi trên bệnh nhân, ông có cam kết bệnh viện ông không có tiêu cực phong bì không?

Độc giả An Linh (Sơn La)

TTƯT BSCK Vi Hồng Kỳ: Câu chuyện này từ năm 2003, trong một lần bệnh nhân mổ xong, gia đình họ cảm ơn tôi bằng tiền. Họ không có phong bì mà họ xé 1 góc tờ báo và gọi cảm ơn tôi, đó là hình ảnh tôi không bao giờ quên được và từ đó đến nay tôi tự hứa mình không bao giờ nhận phong bì của người bệnh và điều đó tôi đã thực hiện đúng.
Hình ảnh đó khiến tôi ám ảnh vì người dân rất nghèo nhưng họ vẫn cố gắng cảm ơn bác sĩ, điều đó càng khiến tôi không thể quên được. Đến nay, bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã triển khai là bệnh viện không phong bì để làm được việc này đầu tiên Ban giám đốc đã làm việc với các bác sĩ và định đưa ra các định hướng cũng như bệnh viện không phong bì và được các bác sĩ và cán bộ y tế ủng hộ. Điều này thể hiện qua nhiều thư khen của người bệnh về tinh thần phục vụ của nhân viên y tế và họ cảm ơn thì nhân viên y tế không nhận phong bì và họ đã viết thư cảm ơn và có nhiều ấn tượng về bệnh viện.
Tôi có thể lấy ví dụ về gia đình bệnh nhân nhà ở Gia Lâm, Hà Nội, con trai làm việc ở Lai Châu, con dâu làm việc ở Mộc Châu. Khi con dâu mổ đẻ tại Bệnh viện Mộc Châu đã được các y bác sĩ chăm sóc và bà cảm ơn y bác sĩ bằng phong bì nhưng nhân viên y tế không nhận và họ đã rất cảm kích trước hành động đó. Đến khi con dâu sinh cháu thứ hai, gia đình vẫn đưa vào sinh ở Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu. Hiện tại, gia đình và bệnh viện vẫn có mối liên hệ.
Tại bệnh viện chúng tôi xây dựng bệnh viện không phong vì và để thay vào đó khi nhận những lời cảm ơn từ bệnh nhân, những nhân viên y tế chăm sóc tốt được người bệnh phản hồi chúng tôi đã kịp thời khen thưởng cho tập thể và cá nhân đó.

Câu hỏi: Người ta nói lương y như từ mẫu… trong hoàn cảnh hiện nay xin cho hỏi câu nói này còn đúng hay không? bệnh viện cần làm gì để “xứng đáng” với câu nói này?

(linhgiang@gmail.com)

TTƯT Vi Hồng Kỳ: Câu nói “Lương Y như từ mẫu” mãi mãi là kim chỉ nam cho những người làm y tế và theo tôi trong hoàn cảnh hiện nay câu nói này vẫn đúng. Tuy nhiên, để làm được điều này với cán bộ nhân viên y tế luôn phải nâng cao trình độc chuyên môn nhiệm vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp và luôn luôn có sự đam mê với nghề nghiệp.
Câu hỏi: Muốn nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân như ngành hàng không? Vậy Bộ Y tế có biện pháp nào để đưa đời sống của bác sĩ nâng lên, họ không phải quá tải với công việc và áp lực cơm áo gạo tiền?

Dương Văn Ánh (Quảng Nam)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Theo NQ 46 của Trung ương khẳng định ngành Y là ngành đặc biệt nên cần tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.
Thời gian qua, Nhà nước cũng đã quan tâm đến chế độ đãi ngộ của nhân viên Y tế như các NĐ 56, 64; QĐ 73 của TT Chính phủ, NDD117 và nhiều chế độ đặc thù khác.
Tuy nhiên, chưa bù đắp được một cách thỏa đáng với gánh nặng công việc mà nhân viên y tế đang thực hiện hàng ngày.
Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục:
– Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những chỉ đạo nhằm cải thiện hơn nữa chế độ chính sách đối với nhân viên y tế.
Đồng thời Bộ Y tế tiếp tục trình Chính phủ nghị định về cơ chế tài chính đối với các cơ sở KCB qua đó, tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở KCB…; quan tâm, tăng cường cải thiện đời sống tinh thần cho nhân viên y tế.

Câu hỏi: Tôi đi khám bệnh ở nhiều bệnh viện và cái tôi sợ nhất đó là nhà vệ sinh bệnh viện. Trong thời gian tới, Bộ Y tế đưa ra tiêu chí xanh, sạch, đẹp. Vậy, nhà vệ sinh bệnh viện được xếp vào tiêu chí đó không?

Nguyễn Thảo Nguyên (nguyenthao.1910@gmail.com)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rất quan tâm đã tổ chức các nhóm đi khảo sát, và ban hành Quyết định 3638/QĐ-BYT ngày 15/7/2016 triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp” trong đó có tiêu chí nhà vệ sinh.
Bộ Y tế cũng đã đưa tiêu chí nhà vệ sinh vào 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, đưa thành tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng hàng năm, đưa tiêu chí nhà vệ sinh vào tiêu chí chấm điểm đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế.
Cho đến nay các cơ sở KCB đã rất quan tâm vấn đề này và đã được cải thiện một cách đáng kể.

Câu hỏi: Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện chủ trương đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh như thế nào?

Hoàng Thu Hà (Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Thời gian tới, Bộ Y tế tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện chủ trương đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh để tìm ra những cá nhân, tập thể điển hình, cách làm hay để nhân rộng điển hình.
Bộ Y tế tiếp tục gắn chủ trương đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bô Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh..
Tăng cường việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở,12 điều y đức, quy tắc ứng xử của nhân viên y tế.
Song song với đó, Bộ Y tế cũng tăng cường tập huấn kỹ năng giao tiếp…và đẩy mạnh khâu kiểm tra giám sát việc thực hiện chủ trương này tại cơ sở.

Câu hỏi: Bố tôi mới ra viện được 1 tuần, sau đó cụ lại phải quay trở lại viện chưa đầy 3 ngày sau đó vẫn với triệu chứng tăng huyết áp. Tại khoa cấp cứu, bố tôi được chỉ định lấy máu, chụp XQ, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim… Tôi có thắc mắc tất cả những kỹ thuật này bố tôi vừa thực hiện cách đây chưa được 2 tuần thì được nhân viên (không biết là bác sĩ hay y tá đứng quầy CC) lạnh lùng nói vào viện là phải thực hiện combo các kỹ thuật này. Xin cho tôi hỏi, cách giải thích của nhân viên bệnh viện như thế có đúng không, có phải cứ vào viện là phải làm các XN đó hay không?
Nguyễn Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Rất cảm ơn phản ánh của bạn. Khi bố bạn quay trở lại viện với các triệu chứng như bạn nói thì việc đầu tiên của cơ sở KCB là phải làm đầy đủ các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhằm đưa ra hướng xử trí phù hợp.
Tôi chưa biết chính xác các triệu chứng của cụ nên việc làm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác thuộc trách nhiệm chuyên môn của cơ sở.
Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế có thái độ giao tiếp lạnh lùng là hành động không đáng có. Rất mong bạn cung cấp chính xác cơ sở và thời gian xảy ra sự việc để chúng tôi có chấn chỉnh kịp thời.

Câu hỏi: Các bệnh viện bắt buộc phải có phòng, tổ công tác xã hội để phục vụ người bệnh cũng như hỗ trợ người bệnh kịp thời. Tại bệnh viện ĐK Mộc Châu, công tác này được triển khai như thế nào?

Phương Linh – phuonglynh88@gmail.com

TTƯT BSCKII Vi Hồng Kỳ: Theo thông tư 43/2015 của Bộ Y tế, Bệnh viện ĐK Mộc Châu đã thành lập tổ công tác xã hội với mục đích hỗ trợ người bệnh trong công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện và các hoạt động từ thiện. Các nhiệm vụ của tổ đang thực hiện như hướng dẫn người bệnh làm các thủ tục vào viện, ra viện. Ngoài ra, tổ công tác cũng vận động cán bộ nhân viên, tổ chức từ thiện trên địa bàn và các địa phương khác.

Tổ này đã duy trì được 1 tuần 2 buổi sáng phát cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thì tổ công tác sẽ hội sẽ hỗ trợ kêu gọi các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ kịp thời.
Hiện nay, ngoài phục vụ tư vấn cho bệnh nhân và người nhà, tổ công tác xã hội xây dựng tủ quần áo từ thiện để nhận quần áo của những người không sử dụng mang vào viện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thiếu quần áo có thể lấy.Vì Mộc Châu có nhiều người còn rất khó khăn nên tủ quần áo tình thương đã giúp được nhiều người bệnh.

Tổ công tác xã hội của bệnh viện cũng kết nối với các tổ chức từ thiện quyên góp được sữa cho bệnh nhi điều trị tại viện và sách vở, quần áo cho học sinh ở những xã khó khăn của huyện Mộc Châu.
Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cũng tổ chức các chuyến khám bệnh miễn phí cho các xã khó khăn trong huyện.
Hàng năm, trong huyện có chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã khó khăn thì bệnh viện Đa khoa Mộc Châu sẽ đóng góp xây dựng một nhà đại đoàn kết và chương trình này sẽ trao cho người dân vào ngày 17/10, ngày vì người nghèo.

Câu hỏi: Thú thực gia đình tôi khó khăn, mỗi lần đi Hà Nôi chữa bệnh là tốn kém tiền của, sức lực chưa kể mỗi lần đi kéo theo ít nhất một người đi cùng. Nhưng không đi thì không được, vì ở tuyến dưới bác sĩ rất kém, có lần tôi ho tại bệnh viện tỉnh kê đơn thuốc uống đến 2 tuần không khỏi, lên tuyến trên tôi chỉ phải uống thuốc trong 1 tuần khỏi dứt điểm. Chưa kể là không bị tái phát, xin hỏi nhà nước cần có chính sách gì để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới để người dân ở thôn quê chúng tôi bớt khổ?
Vũ Viết Xuân (Sơn La)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Rất cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây cũng chính là chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong đó Bộ Y tế là cơ quan được giao thực hiện.
Thứ nhất, Thủ tướng đã có QĐ số 2348 về việc tăng cường y tế cơ sở qua đó có nhiều giải pháp liên quan từ đầu tư nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Thứ hai, Bộ Y tế ban hành các chuẩn quốc gia về y tế xã trong đó xác định chức năng nhiệm vụ, cơ sở vật chất, nhân lực cho y tế cơ sở.
Thứ ba, Bộ Y tế đang xây dựng 26 trạm y tế điểm trong toàn quốc để cụ thể hóa QĐ số 2348 của TTCP.
Thứ 4, Bộ Y tế đã thực hiện việc gắn kết hoạt động của trạm y tế theo mô hình y học gia đình nhằm tăng cường hơn nữa việc thụ hưởng các dịch vụ y tế của người dân tại cộng đồng.
Thứ 5, Bộ Y tế đã có sáng kiến và triển khai dự án 585 thí điểm đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác về vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo (ưu tiên 62 huyện nghèo) với số lượng khoảng hơn 300 bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản nhằm cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng phục vụ người dân ở cơ sở.
Thứ 6, tận dụng mọi nguồn vốn ODA, NGO để đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp trang thiết bị y tế phù hợp cải thiện cơ sở vật để người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Câu hỏi: Xin cho tôi hỏi, hiện tại có những bệnh viện nào ở Hà Nội người bệnh có thể gọi điện thoại đặt lịch khám mà người bệnh vừa không phải chờ đợi vừa được hưởng bảo hiểm y tế?
Trần Thu Hà (Hàm Yên, Tuyên Quang)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Tất cả các bệnh viện ở Hà Nội thì người bệnh đều có thể gọi điện thoại đặt lịch khám. Tuy nhiên, đối với người có thẻ BHYT thì việc thực hiện khám chữa bệnh theo quy định phân tuyến.

Câu hỏi: Người bệnh ngoại tỉnh chúng tôi khổ trăm bề, vừa mang trong mình bệnh tật lai phải đi cả quãng đường xa mới đến Hà Nội nhưng không cẩn thận sẽ rất dễ bị lừa ngay từ cổng bệnh viện (móc túi, cò bệnh viện)… nhà nước có biện pháp gì để đảm bảo cho người bệnh chúng tôi được an toàn về tài sản?

Trần Viết Minh (Thạch Hà, Hà Tĩnh)

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng: Cho tôi xin chia sẻ với những khó khăn khi gia đình có người bệnh đến Hà Nội khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã thấu hiểu thực trạng này nên đã thực hiện một số những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, an ninh cho người bệnh và người nhà người bệnh như: Ký Quy chế phối hợp với Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Chỉ thị về tăng cường an ninh bệnh viện; Tổ chức các hội nghị an ninh bệnh viện; tổ chức kiểm tra công tác an ninh Bệnh viện..
Các bệnh viện cũng chủ động phối kết hợp với chính quyền công an trên địa bàn để hạn chế tình trạng này, và tăng cường công tác bảo vệ nội viện bằng nhiều hình thức như camera nơi công cộng, tuần tra đội bảo vệ…

Câu hỏi: Đề án 1816 hiện nay có còn được thực hiện nữa hay không? Xin lãnh đạo cho biết hiệu quả của đề án này như thế nào, đến nay có bao nhiêu bác sĩ được luân phiên?
Đỗ Viết Mạnh (Thanh Hóa)

PGS. TS Nguyễn Tuấn Hưng: Năm 2008, Bộ Y tế ban hành 1816 hiện nay việc cử bác sĩ luân phiên từ tuyến trên xuống tuyến dưới đã linh hoạt hơn qua việc chuyển giao gói kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên xuống bệnh viện tuyến dưới, đề án bệnh viện vệ tinh, công tác chỉ đạo tuyến…nên các bệnh viện tuyến dưới được thụ hưởng các dự án đề án này đã được tăng cường, nâng cao các kỹ thuật chuyên môn mà trước đây chưa được thực hiện tại cơ sở. Qua đó, người dân được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật thuận tiện hơn, ít tốn kém hơn ngay tại địa bàn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang triển khai dự án 585 (bác sĩ trẻ tình nguyện) đào tạo hơn 300 bác sĩ trẻ cho các huyện còn gặp nhiều khó khăn để tạo nguồn nhân lực có chất lượng ngay tại cơ sở.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bình luận Facebook

Bản quyền thuộc về Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y Tế. All rights reserved - Thiết kế web giá rẻ Minh Dương
phòng marketing thuê ngoài | báo giá dịch vụ seo