TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trả lời trực tuyến bạn đọc báo Thanh niên

  1. Đỗ Hoàng, Nam Định

Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập có phải là vấn đề trọng tâm của Bộ Y tế không?. Nếu có, xin cho biết cụ thể về công việc đã và sẽ triển khai?. Với những công việc đã triển khai, Bộ Y tế có thể cho biết về hiệu quả không?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Đây đúng là một trong các nội dung trọng tâm được Đảng xác định trong Nghị quyết số 18, 19 và nhấn mạnh ở Nghị quyết số 20 Hội nghị T.Ư 6 khóa 12 trong lĩnh vực y tế.

Đối với hệ thống y tế, các đơn vị sự nghiệp công do Bộ Y tế quản lý sẽ sắp xếp lại một cách hợp lý, tập trung cho các bệnh viện gắn liền với các trường đại học y dược là nơi thực hành đào tạo cán bộ y tế có chất lượng và là nơi triển khai các kỹ thuật cao để chuyển giao cho các tuyến dưới.

Đối với y tế tuyến tỉnh, theo như Thông tư liên tịch số 51 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, Thông tư 26 của Bộ Y tế, thì hiện nay Trung tâm mô hình CDC đã có 38/63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Đối với trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng đã được khẳng định ở Nghị quyết số 19 và nhấn mạnh ở Nghị quyết số 20 Hội nghị T.Ư 6 khóa 12 trên cơ sở tổ chức lại bệnh viện huyện và các đơn vị khác, đồng thời hướng các đơn vị sự nghiệp công tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, Bộ Y tế đã có 21/38 bệnh viện trực thuộc tự chủ về ngân sách thường xuyên, do đó, nhà nước không phải chi lương cho 18.227 cán bộ y tế với nguồn ngân sách 1.305,944 tỉ đồng/năm. Nếu số lượng các đơn vị tự chủ tăng lên thì số tiền nhà nước không phải chi trả sẽ cao hơn nữa.

Đối với hiệu quả, trước hết giảm đầu mối tổ chức một cách hợp lý, tinh gọn, hiệu lực tốt hơn mà tăng cường được sức mạnh chuyên môn để phục vụ người dân  tốt hơn, đồng thời giảm được đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý nhằm tập trung cao độ cho công tác chuyên môn phát triển. Mặt khác, giảm được nhiều biên chế gián tiếp, do đó, giảm được hàng ngàn tỉ đồng ngân sách nhà nước/năm để dành đầu tư cho các công việc khác, tránh lãng phí cơ sở vật chất, xăng xe ô tô…

  1. Vũ Mạnh, Hà Nội

Xin cho biết cụ thể, với ngành y tế, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập tập trung vào các đơn vị nào, lĩnh vực nào trong vòng 5 năm tới đây?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Xin cảm ơn bạn. Theo Nghị quyết của Đảng và quy hoạch của ngành Y tế trình Chính phủ phê duyệt, sẽ tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công theo hướng: đối với tuyến tỉnh, thành lập một trung tâm kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Thành lập đơn vị kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm và trang thiết bị (FDA) theo khu vực. Đối với tuyến huyện: thành lập trung tâm y tế đa chức năng theo hướng như Nghị quyết số 19 và số 20 Hội nghị T.Ư 6 khóa 12 trên cơ sở của trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện huyện và các đơn vị khác. Đối với tuyến xã: không thành lập các trạm y tế xã có chức năng khám chữa bệnh ở gần các bệnh viện huyện, tỉnh, thành phố và các phòng khám đa khoa khu vực cần rà soát lại một cách hợp lý như kinh nghiệm của Yên Bái đã sáp nhập vào trạm y tế xã có cùng chức năng. Y tế trường học về cơ bản sẽ ký hợp đồng với các cơ sở y tế gần nhất để thực hiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Đổi mới cơ chế hoạt động cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công ngành y tế đặc biệt tập trung vào các bệnh viện theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ mà cấp có thẩm quyền giao, nhằm chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho người dân. Đến nay, đã có 21/38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tự chủ về ngân sách thường xuyên cắt giảm được 1.305 tỉ đồng/năm, nhà nước không phải chi nguồn ngân sách này cho bệnh viện. Nếu số lượng các bệnh viện tự chủ tăng lên thì số tiền nhà nước không phải chi sẽ còn lớn hơn nữa để tập trung đầu tư cho khối dự phòng và khối y tế cơ sở.

Đến nay, đối với địa phương đã có 70 trong số 2040 đơn vị đã  tự chủ. Như vậy, có khoảng 35.000 vị trí việc làm nhà nước không phải trả lương, tương đương khoảng 2.520 tỉ đồng/năm. Nếu như số đơn vị tự chủ tăng lên thì tiết kiệm còn lớn hơn nữa.

  1. Công Thành, Hà Nội

Tôi là bạn đọc lâu năm của Báo Thanh Niên, qua quý báo tôi biết ngành y tế đang thực hiện mô hình CDC về phòng bệnh. Nhân buổi giao lưu này, đại diện Bộ Y tế giải đáp giúp về mô hình này có tiến bộ gì? Vì sao sau khi thành lập CDC dịch bệnh lại tăng, như dịch sốt xuất huyết vừa qua?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Cảm ơn bạn đọc Báo Thanh Niên đã nêu câu hỏi. Mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới do tính ưu việt của mô hình này. Các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia cũng đã thực hiện mô hình này, còn Việt Nam chưa thực hiện.

Mô hình CDC có những ưu điểm dưới đây:

– Trước hết là giảm đầu mối tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả như Nghị quyết số 18, 19 và 20 Hội nghị T.Ư 6 Khóa 12 đã nêu. Như vậy, trong ngành y tế, giảm trung bình mỗi tỉnh 5 đơn vị trên tổng số các tỉnh có 5 – 9 đơn vị thì tại 63 tỉnh, thành giảm được 315 đầu mối tổ chức.

– Giảm số lượng người làm lãnh đạo: 1.260 người (cấp trưởng, phó các đơn vị) và chắc chắn sẽ chọn được người có năng lực, có tâm, có tầm và ưu tú nhất trong quản lý.

– Giảm biên chế làm gián tiếp trong các tổ chức như: hành chính, văn thư, tổ chức, lái xe, bảo vệ…  Ngành y tế hiện có khoảng 17000 cán bộ làm việc trong lĩnh vực này, trong đó có khoảng 3.400 cán bộ làm gián tiếp (chiếm khoảng 20%). Tuy nhiên, có đơn vị số làm gián tiếp chiếm đến 30%. Như vậy, hiện nay đã giảm được 2.140 người (biên chế); mỗi năm nhà nước không phải chi cho tinh giản biên chế 154,080 tỉ đồng.

Dịch bệnh diễn biến bất thường do nhiều nguyên nhân khác nhau và liên quan đến thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường như năm nay tại Hà Nội có mưa kéo dài trong nhiều ngày và ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao làm cho các tác nhân gây bệnh tăng mạnh. Do đó, phòng bệnh dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân và ngành y tế cũng không được chủ quan.

  1. Bá Minh, TP.Hồ Chí Minh

Theo tôi hiểu, đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, người bệnh, nhất là tăng giá dịch vụ y tế. Xin đại diện Bộ Y tế cho biết rõ khi “đổi mới” tăng giá dịch vụ y tế có nghiên cứu, đánh giá xác đáng việc này sẽ tác động đến người bệnh như thế nào không? bệnh viện thu đủ nhưng người bệnh có khó khăn hơn trong chi trả không?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Trước hết, phải khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công để tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoạt động có hiệu quả trong các nhiệm vụ của mình.

Đối với đơn vị sự nghiệp ngành y tế, nhất là các bệnh viện thì liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, do đó, mọi chính sách đều phải đánh giá tác động, trong đó có giá dịch vụ y tế đảm bảo được khả năng chi trả của người dân khi thu nhập bình quân đầu người dân Việt Nam/năm ở nước ta chưa cao.

Do đó, bảo hiểm y tế toàn dân là chính sách an sinh xã hội tốt nhất, văn minh nhất, hợp lòng dân nhất được nêu ra ở Nghị quyết số 20 Hội nghị T.Ư 6 Khóa 12, đó là nguyên lý lấy số đông của người đóng bảo hiểm y tế hỗ trợ cho người không may phải vào bệnh viện và thậm chí có chia sẻ của những người giàu có năng lực tài chính cho người nghèo, người khó khăn không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Thực tế, ở bệnh viện hiện nay thì nguồn thu chiếm khoảng 75 – 80% từ bảo hiểm y tế, do đó bảo hiểm y tế toàn dân hết sức quan trọng. Đối với đối tượng chính sách, khi khám chữa bệnh thì gia đình thương bình, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đã được nhà nước mua bảo hiểm y tế 100%. Người cận nghèo được nhà nước hỗ trợ 70% và các tỉnh đã mua số còn lại nên cũng gần đạt 100% mức hỗ trợ; với cán bộ công chức, viên chức đồng chi trả 20%.

Như vậy, nhà nước đã mua 40% cho những người cần ưu tiên, do đó, đổi mới cơ chế tài chính thì những người nghèo nếu có bệnh, sẽ được thụ hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn mà không phải chi trả đáng kể.

  1. Vũ Ninh, Hà Nội

Đổi mới cơ chế quản lý nhưng con người điều hành thực hiện vẫn là quyết định. Như vậy, cùng với cơ chế về bộ máy, Bộ Y tế có chiến lược như thế nào về con người cho bộ máy đó?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ban hành các thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của mỗi đối tượng cán bộ y tế để được đào tạo và cán bộ y tế làm đúng việc với đúng người như Thông tư số 10 đối với bác sĩ, y sĩ, bác sĩ y học dự phòng; Thông tư số 11 đối với y tế công cộng; Thông tư số 26 với điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên; Thông tư số 27 đối với  cán bộ dược; Thông tư số 08 đối với cán bộ dân số y tế.

Bộ Y tế chỉ đạo gắn việc thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực cán bộ do hội đồng y khoa hướng dẫn đúng như chỉ đạo trong tinh thần của Nghị quyết số 20 Hội nghị  T.Ư 6 Khóa 12 và có thời hạn để cho mỗi cán bộ y tế phải luôn trau dồi kiến thức y khoa, đảm bảo khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân. Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo xây dựng các chương trình đào  tạo về kiến thức và kỹ năng quản lý cho giám đốc các bệnh viện, giám đốc các sở y tế, giám đốc các trung tâm CDC, viện trưởng các viện và đội ngũ thanh tra y tế với phương châm đôi ngũ cán bộ phải thay đổi tư duy ngay từ đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng quản trị nhân lực, quản trị tài chính… theo hướng hoạt động cơ chế doanh nghiệp, đáp ứng chủ trương của Đảng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngành y tế là ngành phi lợi nhuận và mọi người dân đều được bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe.

  1. Một công chức từng công tác trong ngành y

Trong ngành y có truyền thông con nối nghiệp cha mẹ, nhiều bác sĩ giỏi thành công “kế nghiệp” cha, mẹ cũng làm lãnh đạo khoa, phòng, BV. Tuy nhiên, liệu có thể xảy ra tình trạng “con vua thì lại làm vua” trong ngành hay không? Việc bổ nhiệm cán bộ trong ngành y được thực hiện theo nguyên tắc nào? “đúng quy trình” có thật đúng hay không nếu người làm công tác cán bộ vẫn còn ảnh hưởng bởi cây đa cây đề đi trước, dễ gây nể nang?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Cảm ơn câu hỏi rất sâu sắc của bạn đọc Báo Thanh Niên. Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 5068 ngày 8.11.2017 về Quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và Quyết định số 5168 ngày 14.11.2017 về Tiêu chuẩn quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ, bao gồm: các vụ, cục, thanh tra, văn phòng bộ, tổng cục.

Các quyết định này đã đi theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là quy trình 5 bước để phát hiện đúng người đúng việc, có uy tín, có trình độ, có năng lực thực sự do Ban Tổ chức T.Ư ban hành. Như vậy, việc bổ nhiệm cán bộ cần phải căn cứ vào tiêu chuẩn, quy trình của pháp luật hiện hành như: Luật Cán bộ công chức, luật Viên chức, Nghị định 24 của Chính phủ, Quyết định 27 của Thủ tướng và Hướng dẫn số 12 của Ban Tổ chức T.Ư. Đồng thời, phải căn cứ vào năng lực của mỗi cán bộ, căn cứ vào uy tín của mỗi cán bộ. Việc đánh giá cán bộ theo quy trình 5 bước được tiến hành rất công khai, dân chủ, minh bạch, không phụ thuộc vào bất kỳ một ý chí nào làm ảnh hưởng đến quy trình khách quan trong quá trình thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ của Bộ Y tế.

  1. Hoàng Hưng, Hà Giang

Tôi thấy nhiều năm qua, Bộ Y tế đưa ra nhiều phương án để nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở. Trước đây, chúng ta đã thực hiện đào tạo cử tuyển, bác sĩ địa phương cử đi học sẽ về lại địa phương làm việc để đảm bảo lâu dài gắn bó. Xin đại diện Bộ Y tế cho biết, vì sao hình thức đào tạo đó lại thay thế bằng dự án bác sĩ trẻ về các huyện nghèo công tác, dự án này hiện có ưu điểm gì hơn không?. Chi phí từ nguồn nào?. Xin cảm ơn!

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Theo Nghị quyết 20 Hội nghị T.Ư 6 khóa 12 về tăng cường Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã có định hướng cụ thể là sẽ thay đổi căn bản toàn diện công tác đào tạo cán bộ y tế gắn với Nghị quyết T.Ư 29 khóa 11 về đổi mới căn bản toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân.

Các hình thức đào tạo khác nhau đối với cán bộ y tế vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nhân lực y tế còn tồn tại 2 mâu thuẫn cơ bản mà cả thế giới gặp phải, đó là mâu thuẫn giữa nhân lực y tế giữa các vùng, miền, xu hướng chọn làm việc ở các đô thị lớn là chủ yếu chứ không phải vùng sâu, vùng xa; và mâu thuẫn nhân lực y tế giữa các chuyên khoa. Chẳng hạn, hầu hết các bác sĩ muốn vào các chuyên khoa như nội, ngoại, sản, nhi, mắt, tai mũi họng… trong khi rất ít bác sĩ chọn chuyên khoa phong, lao tâm thần, pháp y, pháp y tâm thần…

Do đó, dự án bác sĩ trẻ 585 sẽ làm thay đổi thực chất về chất lượng y tế cơ sở, nghĩa là những huyện nghèo vẫn có bác sĩ giỏi với thiết bị được trang bị cơ bản, đồng bộ thì người dân được khám chữa bệnh và cấp cứu tại chỗ không phải chuyển lên tuyến trên. Một mặt cấp cứu được bệnh nhân đúng thời gian “vàng” của mỗi bệnh, mặt khác người dân không phải lên tuyến trên, đỡ tốn kém; tuyến trên không bị quá tải. Như vậy, niềm tin của người dân đặt vào y tế cơ sở.

Do đó, Nghị quyết 20 Hội nghị T.Ư 6 khóa 12 đã xác định y tế cơ sở là nền tảng của ngành y tế.

  1. Bích Hằng, Bắc Giang

Thưa chuyên gia, hiện đã có bao nhiêu bác sĩ trẻ tình nguyện về huyện nghèo làm việc?. Đã có thể đánh giá được hiệu quả cụ thể mà các bác sĩ trẻ đóng góp hay chưa?. Ví dụ, tỷ lệ tăng/giảm bệnh nhân chuyển tuyến với chuyên khoa có bác sĩ được tăng cường về?. Số lượt bệnh nhân được khám/chẩn đoán có được cả thiện hay không…?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Hiện nay đã có 126 bác sĩ trẻ được đào tạo theo chương trình đặc biệt này, trong đó, có 7 bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp về 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Sơn La và Điện Biên. Ví dụ như bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết về Bệnh viện tỉnh Bắc Hà (Lào Cai) đã thực hiện được các ca cấp cứu thông thường và ngay ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ đã mổ được trường hợp thoát vị bẹn cho trẻ 5 tuổi người dân tộc Mông. Hiện cháu bé có sức khỏe tốt.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bắc Hà tỉnh Lào Cai, đến nay đã giảm khoảng 30% bệnh nhân chuyển lên tuyến trên do huyện Bắc Hà đã có bác sĩ trẻ về công tác và thực hiện kỹ thuật mới. Người dân đã không phải đi xa để khám chữa bệnh, đồng thời, số lượt bệnh nhân được khám với chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời đã tăng lên đáng kể.

  1. Một bác sĩ vùng cao

Trước hết, tôi nhận thấy nội dung giao lưu này rất thiết thực với nhiều người dân cũng như ngay với cán bộ trong ngành cũng được hiểu đầy đủ hơn về chính sách của chính ngành mình. Vì có thực tế, nhiều khi thắc mắc biết hỏi ai? Nhân đây, tôi xin nhờ khách mời giải thích rõ hơn: chỉ công tác 3 – 5 năm rồi sau đó bác sĩ trẻ lại được vào công tác tại các BV công lớn tại các tỉnh, thành phố, như vậy có quá ưu ái bác sĩ trẻ hay không, bởi vì nhiều bác sĩ công tác vùng xa nhiều năm qua họ không hề có cơ hội được thay đổi về công tác tại những nơi có kiện tốt hơn; cơ hội học tập nâng cao chuyên môn hầu như cũng không đáng kể. Dự án bác sĩ về huyện nghèo có lẽ đang gây mất công bằng trong đãi ngộ các y bác sĩ. Chuyên gia có ý kiến về vấn đề này? Xin cảm ơn!

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Theo yêu cầu của các địa phương nên Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 585 đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xã, biên giới hải đảo ưu tiên 62 huyện nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thấy rằng các bác sĩ trẻ ở các địa phương có hộ khẩu tại các huyện nghèo, nói được tiếng dân tộc mong muốn được tham gia chương trình này.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định 4919 mở rộng đối tượng cho bác sĩ trẻ tốt nghiệp chính quy loại trung bình tại địa phương và hiện tại có 98/126 bác sĩ trẻ đang học tập ở 3 trường đại học: Y Hà Nội, Y dược Huế và Y dược Hải Phòng.

Các bác sĩ trẻ đang gắn kết chặt chẽ với các thầy tại các nhà trường, gắn chặt với bệnh viện mà mình được tuyển chọn về ngay trong quá trình học tập, kể cả thời gian về công tác tại địa phương, họ phải hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ tại địa phương với sự giám sát của bệnh viện, trung tâm y tế huyện nghèo, của bệnh viện nơi đã được tuyển dụng; của trường đại học y, dược đã đào tạo và cả Bộ Y tế.

Do đó, họ phải hoàn thành nhiệm vụ thì được phát triển đi lên. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, tùy theo mức độ, sẽ chịu xử lý kỷ luật khác nhau và đặc biệt, có thể thu hồi chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn.

  1. Cao Oanh, Thanh Hóa

Tôi biết ngành y tế có hoạt động chỉ đạo tuyến hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới; từng có đề án 1816 bác sĩ “đi nghĩa vụ” về BV tuyến dưới; bệnh viện vệ tinh đã rất hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng nhân lực, chuyên môn cho BV tuyến dưới. So với các đề án trước đây, dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn công tác có hiệu quả hơn so với các đề án đã làm không, trong khi họ là “lính mới” chưa có kinh nghiệm chuyên môn, khó có thể đảm đương nhiệm vụ độc lập. Vậy, khách mời của Báo Thanh Niên có thể giải thích rõ đề án bác sĩ trẻ về huyện nghèo công tác này?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Trước hết, tôi muốn trao đổi về cách tuyển chọn đặc biệt trong dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới hải đảo ưu tiên cho 62 huyện nghèo (sau đây gọi tắt là vùng khó khăn).

Đầu tiên, chúng tôi phải gặp gỡ, trao đổi với bác sĩ trẻ làm đơn tình nguyện và phải tốt nghiệp từ khá, giỏi trở lên về huyện nghèo,… và huyện đó đang cần chuyên khoa, ví như chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi…

Sau đó, dự án tiếp tục khớp cung cầu với bệnh viện T.Ư, ví dụ khoa ngoại (Bệnh viện Bạch Mai) để tuyển dụng đặc cách bác sĩ trẻ và sau đó gửi đi đào tạo tại các trường đại học y, dược theo một phương thức đặc biệt.

Cách đào tạo đặc biệt: Trường đại học Y Hà Nội đã xây dựng chương trình khung chương trình chi tiết dành riêng cho đối tượng này với tỷ lệ 70% thực hành ở bệnh viện; tổ chức đào tạo theo phương thức như bác sĩ nội trú (24/24 giờ tại bệnh viện, dưới sự hướng dẫn cầm tay chỉ việc của một thầy cho một trò). Đồng thời, khi tốt nghiệp, bác sĩ trẻ được đánh giá và cấp chứng chỉ hành nghề theo chuyên môn mình đã học sau 24 tháng.

Mặt khác, chúng tôi thường xuyên kiểm tra giám sát và các bác sĩ cũng thường xuyên nối mạng với các thầy của mình, kể cả khi đã về công tác tại huyện nghèo, để được tư vấn trong những trường hợp ca bệnh khó.

Các bác sĩ này giỏi về chuyên môn nghiệp vụ đã được đánh giá đủ tay nghề mới về công tác tại huyện nghèo, do đó, họ làm được cấp cứu thông thường. Ví dụ như bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết đã mổ thoát vị bẹn ngay ngày đầu tiên nhận công tác tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Về chế độ đãi ngộ: Bộ Y tế và người dân rất trân trọng các bác sĩ về giúp người dân ở huyện nghèo, tăng thêm niềm tin của người dân với y tế cơ sở, cũng thêm niềm tin với ngành y tế và với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng.

Tuy nhiên, cũng có quy chế thưởng phạt rất nghiêm minh. Rất nhiều quyền lợi cá nhân nếu bác sĩ đó làm tốt nhưng nếu không làm tốt mà có bằng chứng khách quan, nhất là liên quan sai sót chuyên môn thì có thể bị thu chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn.

  1. Nguyễn Phúc, Cao Bằng

Xin cho biết, dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về huyện nghèo công tác sẽ triển khai trong trong bao lâu? Sau khi các bác sĩ hết thời hạn, thì nhân lực tại BV đó sẽ được lấp chỗ trống bằng cách nào?. Chúng ta cần bao nhiêu bác sĩ trẻ cho dự án cử bác sĩ về huyện nghèo công tác?. Xin cảm ơn!

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến dự án này. Dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo ưu tiên 62 huyện nghèo là một giải pháp tình thế đối với nguồn nhân lực mất cân đối giữa các vùng miền. Nhiều bác sĩ muốn làm việc ở vùng thuận lợi hơn vùng khó khăn, đây cũng là thực trạng của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, dự án này cũng phải kéo dài nhiều năm nữa do điều kiện địa lý của đất nước ta trải dài, nhiều khó khăn còn hiện hữu ở vùng rất xa, rất sâu và cả vùng hải đảo xa xôi, nên cần có nhân lực y tế phục vụ người dân.

Bộ Y tế mong muốn tương lai sẽ đề xuất xây dựng một luật riêng về trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế đối với người dân. Điều này cũng đảm bảo được cả quyền lợi cho cán bộ y tế và trách nhiệm của cán bộ y tế phục vụ nhân dân.

Theo điều tra ban đầu của dự án, tại 20 tỉnh với 62 huyện nghèo cần khoảng 598 bác sĩ với 15 chuyên khoa. Hiện nay, theo quy định mới của Chính phủ, có thêm một số huyện được hưởng như huyện nghèo, nâng tổng số lên 85 huyện và trải dài ở 25 tỉnh, thành.

  1. Minh Hải, Hà Nội

Tại Nghị quyết T.Ư 19, tôi nhớ có nội dung đề cập về điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở T.Ư về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường ĐH). Xin cho biết, trong 5 năm tới, có bao nhiêu BV từ T.Ư sẽ về địa phương? Việc hạ cấp, hạ tuyến điều trị như vậy có ảnh hưởng đến chế độ đãi ngộ, thu nhập và hạn chế năng lực chuyên môn của BV tuyến T.Ư không, vì thực tế chúng ta đang phân hạng BV, theo đó nhiều loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật được thực hiện tại tuyến T.Ư nhưng BV tuyến dưới thì không được phê duyệt?. Trân trọng cảm ơn khách mời, cảm ơn Báo Thanh Niên tổ chức cuộc giao lưu này!

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Xin cảm ơn câu hỏi hết sức sâu sắc của độc giả Báo Thanh Niên!

Đây là sự quan tâm của nhiều cán bộ trong ngành và của người dân. Theo quy hoạch của Bộ Y tế và cũng thể hiện trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 T.Ư 6 khóa 12 thì Bộ Y tế chỉ quản lý các đơn vị, các bệnh viện gắn với các trường đại học đào tạo cán bộ y tế và các bệnh viện chuyên khoa sâu, với mục đích nhằm đào tạo cán bộ y tế có chất lượng và phát triển kỹ thuật cao để chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới.

Như vậy, những bệnh viện có chuyển về tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nhưng theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cho nên các đơn vị này độc lập và phát triển với sự giám sát của chính quyền địa phương.

Theo Nghị quyết 20 T.Ư 6 khóa 12, Bộ Y tế chỉ đạo công tác chuyên môn xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương và xây dựng các văn bản về tiêu chí chất lượng bệnh viện và sẽ có kiểm định độc lập về chất lượng bệnh viện. Do đó, không có chuyện khi bệnh viện về địa phương sẽ giảm chất lượng.

Bộ Y tế sẽ phê duyệt danh mục kỹ thuật dịch vụ y tế và xếp hạng bệnh viện theo năng lực chuyên môn bệnh viện. Do đó, nếu bệnh viện làm được nhiều kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật cao thì sẽ được phê duyệt đầy đủ kỹ thuật đó theo đúng quy định.

Do đó, không có hàng rào giữa T.Ư – địa phương, mà căn cứ vào tiêu chí chất lượng bệnh viện, và được cơ quan độc lập đánh giá chất lượng bệnh viện.

  1. Nguyên Hưng, Hậu Giang

Xin chào khách mời! Theo tôi hiểu, các địa phương chịu trách nhiệm bổ nhiệm, phân bổ biên chế cho bộ máy y tế của địa phương. Bộ Y tế vì sao không hợp tác với từng địa phương tổ chức đào tạo nâng cao nhân lực chất lượng theo nhu cầu của từng nơi?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Xin cảm ơn câu hỏi rất quan trọng, thể hiện hợp tác T.Ư và địa phương trong công tác chỉ đạo chuyên môn hướng tới phục vụ cho người dân tốt nhất.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Chính phủ giao cho các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư) chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác cán bộ của địa phương mình. Các bộ, ngành phối hợp với địa phương để thực hiện tốt công tác cán bộ. Bộ Y tế theo quy định đã ban hành tiêu chuẩn giám đốc sở và phó giám đốc sở tại Thông tư số 32 theo quy định.

Ngành y tế là một ngành chuyên môn đặc biệt, chỉ đạo chuyên môn xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương, các địa phương phải chịu trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn hành chính của địa phương mình theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 T.Ư 6 khóa 12.

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các trường đại học y, dược và các trường cao đẳng, trung cấp y tế trên địa bàn địa phương để cùng với các cơ sở y tế làm tốt công tác cung (đào tạo) cầu (bên sử dụng).

Ví dụ, đề án thí điểm đưa bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo công tác là phối hợp chặt chẽ cung cầu giữa cơ sở y tế (bên sử dụng) và đào tạo trên nguyên tắc đảm bảo đủ số lượng cán bộ y tế và chất lượng cán bộ y tế đảm bảo phục vụ sức khỏe nhân dân.

  1. Bình Nguyên, Hà Nội

Cảm ơn khách mời, tôi từng công tác trong ngành y. Khoảng 2 – 3 năm gần đây, tôi thấy thông tin đưa nhiều về việc, ngành y tế đã thực hiện mô hình CDC, xin cho biết về mô hình này?. Xin cho biết, mô hình này được kỳ vọng đem lại hiệu quả như thế nào cho ngành và cho người dân?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Cảm ơn bạn đọc. Mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thực hiện theo Thông tư liên tịch 51 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có chức năng tương đồng nhau trong khối y tế dự phòng. Nếu như những trung tâm có giường bệnh thì chuyển về các chuyên khoa của bệnh viện đa khoa tỉnh. Nếu tỉnh nào đủ điều kiện cơ sở vật chất, con người và nhu cầu khám chữa bệnh chuyên khoa cao thì có thể hình thành các bệnh viện chuyên khoa theo quy định, ví dụ như bệnh viện sản nhi như nhiều tỉnh đã làm.

Về hiệu quả khi thành lập CDC với ngành y tế, trước hết là tập trung được đầu mối các đơn vị, do đó, đầu tư sẽ được tập trung và không bị dàn trải. Tập trung được các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất, do đó, sức mạnh của ngành sẽ được tăng lên cao hơn. Mặt khác, chỉ đạo của Bộ Y tế và các sở y tế cũng sẽ tập trung hơn, thông suốt hơn về công tác chuyên môn, do đó, phục vụ người dân tốt hơn và hướng tới nhiều người dân hài lòng hơn về dịch vụ y tế.

Về hiệu quả với người dân: Khi nguồn lực được tập trung, đặc biệt là nguồn lực con người, thì sẽ có nhiều cán bộ y tế giỏi phát huy được hết khả năng của mình để phục vụ nhân dân. Đồng thời, cơ sở vật chất cũng được tập trung, do đó, có nhiều máy móc tốt hơn, hiện đại hơn và chính xác hơn. Như vậy, hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn. Mặt khác, do tập trung như vậy thì sẽ tiết kiệm, đỡ tốn kém các nguồn lực, trong đó cả nguồn lực con người và đặc biệt cơ sở vật chất. Hay nói cách khác là đỡ tốn tiền của dân.

  1. Ánh Tuyết, Đồng Nai

Xin cho biết tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ của chúng ta hiện là bao nhiêu?. Bộ Y tế có quan tâm đến nâng cao chất lượng điều dưỡng và tăng thêm số lượng điều dưỡng trong các bệnh viện không?. Họ là những người chăm sóc bệnh nhân, thực hiện y lệnh, nếu thiếu hụt chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, tăng các nguy cơ tai biến?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn đọc tại Đồng Nai. Bạn đã rất quan tâm về hiện trạng nhân lực ngành y tế, giữa chất lượng và số lượng cán bộ y tế. Trước hết, theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện tại, cả nước có khoảng 117748 điều dưỡng viên và hộ sinh trong các bệnh viện. Như vậy, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ hiện nay trung bình cả nước là khoảng 1,9 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ.

Chất lượng hoạt động của điều dưỡng viên và hộ sinh trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh là quan trọng đặc biệt. Do đó, Bộ Y tế có chủ trương bằng mọi giải pháp để tăng cường chất lượng điều dưỡng viên và hộ sinh trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và người dân, hướng tới sự hài lòng của người dân và người bệnh.

Chính vì vai trò quan trọng của điều dưỡng và hộ sinh như vậy, do đó, Nghi quyết 20 T.Ư 6 khóa 12 định hướng rõ ràng: đến năm 2025, số điều dưỡng viên phải đạt 25 điều dưỡng/vạn dân, tương đương 2,5 điều dưỡng viên/bác sĩ; đến năm 2030 có 33 điều dưỡng viên/vạn dân.

  1. Bạn đọc tại Hậu Giang

Theo như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Y tế ước tính có hàng ngàn người mất “ghế” giám đốc sau sáp nhập, thực hiện CDC. Liệu quá trình sắp xếp nhân sự có thể nảy sinh các vấn đề tiêu cực, khó khăn như khiếu nại, “chạy” chỗ…không? Xin cảm ơn!

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Đây là vấn đề lớn, do đó, nếu làm không tốt dễ dẫn đến các tiêu cực, như ý kiến mà quý bạn đọc nêu. Do đó, trước hết, cần phải quán triệt đầy đủ trong cả hệ thống chính trị, cần phải thực hiện mọi công việc theo đúng quy định của pháp luật và công tác của Đảng. Mọi hoạt động cần thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch. Bài học giống như Hà Nội và Yên Bái đã thực hiện.

Như Yên Bái, phỏng vấn người dân cho thấy, chất lượng y tế dự phòng đã được nâng cao và đi trước một bước theo Nghị quyết 20 đã nêu. Do đó, nếu làm tốt thì không thể có khiếu nại hay chạy chức quyền, vì mọi việc do mọi người cùng tham gia bàn bạc, cùng giải quyết các vướng mắc và cùng thực hiện công khai, dân chủ minh bạch, đi đến thống nhất hoạt động của tổ chức.

  1. Lê Dân, Yên Bái

Trong Nghị quyết T.Ư 19 có đề cập đến vấn đề: thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng 2 trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; trung tâm trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có). Rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực. Nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập trạm y tế xã. Việc này có hiệu quả như thế nào về thủ tục hành chính? Nếu chỉ thay về số lượng (phòng, ban, đơn vị) thì có đủ để thể thay đổi về chất lượng theo hướng tốt hơn hay không?.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Câu hỏi đề cập rất rộng, được cả Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 T.Ư 6 khóa 12, đề cập tới nguyên tắc thống nhất mô hình tổ chức cấp huyện.

Đây là cuộc cách mạng thay đổi về nhận thức của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành y tế làm nòng cốt, coi tuyến y tế cơ sở làm nền tảng của ngành y tế, vì đây là tuyến gần dân nhất, hàng ngày, hàng giờ đối mặt thách thức, khó khăn cũng như thuận lợi khi người dân cần đến khi chăm sóc sức khỏe.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) trả lời câu hỏi của bạn đọcẢNH NGỌC THẮNG

Do đó, chắc chắn cần phải thay đổi cả về chất chứ không chỉ về lượng, vì tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người (bác sĩ, điều dưỡng…) sẽ tăng cường được chất lượng cán bộ cao hơn, nhiều kỹ thuật mới cũng được áp dụng, do đó người dân sẽ được các bác sĩ chăm sóc tốt hơn.

Đồng thời, cơ sở vật chất sẽ được tập trung theo hướng trung tâm y tế đa chức năng, các trang thiết bị máy móc, nhất là những máy móc phục vụ cho cận lâm sàng, sẽ được hiện đại hơn tập trung lại.

Như vậy, người dân và người bệnh sẽ được các cán bộ y tế có trình độ cao và phương tiện máy móc hiện đại hơn chăm sóc phục vụ và hướng tới sự hài lòng của người dân ngày một tốt hơn.

  1. Nguyễn Phước, Quảng Nam

Xin cảm ơn Báo Thanh Niên và Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu này. Có vấn đề lâu nay tôi muốn hỏi: như Thanh Niên đã đăng tải, sẽ thực hiện sáp nhập tập trung một đầu mối kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh, thành. Theo tôi hiểu, nếu muốn làm thật thì phải giảm con người, giảm công kềnh, nhưng như vậy, số dư ước là bao nhiêu? Họ được sắp xếp như thế nào nếu họ vẫn đủ điều kiện làm việc?.

 

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Xin cảm ơn bạn đã quan tâm! Đối với các tổ chức hiện tại về y tế dự phòng tuyến tỉnh, có tỉnh 5 trung tâm, có tỉnh 9 trung tâm, thậm chí có tỉnh 11 trung tâm. Nếu như chúng ta cắt giảm, sáp nhập lại, trung bình mỗi tỉnh 6 trung tâm thì 63 tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư sẽ giảm 315 đầu mối đơn vị tuyến tuyến tỉnh.

Với riêng cán bộ lãnh đạo tuyến tỉnh đã giảm số lượng đáng kể: 315 đơn vị x trung bình 4 lãnh đạo/đơn vị (1 trưởng và 3 phó theo quy đinh) thì đã giảm 1.260 cán bộ lãnh đạo tuyến tỉnh.

Về biên chế, hiện nay, toàn bộ khối y tế dự phòng tuyến tỉnh có khoảng 17.000 cán bộ, trong đó những người làm công tác hành chính khoảng 20%, thì số cán bộ hành chính là 3.400 cán bộ. Khi thực hiện lô trình giảm, đến nay đã giảm 2.100 cán bộ hành chính. Với mỗi cán bộ lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, thì nhà nước đã tiết kiệm được 154,080 tỉ đồng/năm chi lương cho hành chính.

Cách thực hiện, với cán bộ lãnh đạo và cán bộ hành chính, quản lý cơ sở vật chất được sắp xếp lại giống như kinh nghiệm của Hà Nội và Yên Bái, như đã đề cập ở trên.

  1. Trung Thành, An Giang

Chào chuyên gia, Báo Thanh Niên từng đăng tin dẫn nguồn từ Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế: Trung bình 1 tỉnh/TP có khoảng 6 đơn vị, thậm chí có những tỉnh lên tới 9 – 10 đơn vị, cá biệt có tỉnh lên đến 12 đơn vị. Ước tính, ở tuyến tỉnh, sau khi sáp nhập, sẽ có khoảng 3.000 giám đốc, phó giám đốc các trung tâm bị “mất ghế” và gần 12.000 cán bộ hành chính sẽ thuộc diện dôi dư. Hiện tại đã bao nhiêu địa phương thực hiện sáp nhập? Chúng ta có lộ trình, thời hạn để hoàn thành việc sáp nhập này không? Tiêu chí nào để lựa chọn ra người là giám đốc trong số những giám đốc sau sáp nhập?. Xin cảm ơn!

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Hiện nay đã có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có quyết định thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, gọi tắt là CDC. Theo lộ trình thực hiện, các tỉnh/thành phố cần hoàn tất sáp nhập các đơn vị thành lập CDC trước năm 2021.

Về tiêu chí thực hiện lựa chọn giám đốc, sẽ tuân theo quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Nội vụ ,Bộ Y tế và của địa phương. Tất cả quy trình đều phải công khai, dân chủ, minh bạch. Dưới đây, tôi xin nêu kinh nghiệm của Hà Nội và Yên Bái.

Hà Nội có 9 trung tâm thì 1 trung tâm chuyển về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; còn 8 trung tâm sáp nhập thành 1 là CDC của Hà Nội.

Công tác cán bộ lãnh đạo: 8 người dân chủ cùng tham gia bỏ phiếu và lựa chọn 1 người uy tín nhất trong 8 người. Còn với cán bộ, từ 631 cán bộ: được tăng cường cán bộ công tác chuyên môn, giảm cán bộ hành chính khoảng 120 người, trong đó, có 41 kế toán mà đề án việc làm mới chỉ cần 7. Do cách làm dân chủ, những cán bộ lãnh đạo muốn về làm chuyên môn thì làm chuyên môn hoặc điều về tuyến quận, huyện ngang với phụ cấp trách nhiệm. Đến nay, Hà Nội đã hoàn tất công tác cán bộ.

Số cán bộ còn dư Hà Nội yêu cầu các quận, huyện xây dựng đề án tuyển chọn, thi tuyển cán bộ sẽ ưu tiên cho số này nếu đúng vị trí việc làm.

Từ 9 cơ sở còn lại 2 cơ sở chính. Với 7 cơ sở còn lại, thực hiện đổi đất lấy hạ tầng, lấy kinh phí xây dựng cho 2 cơ sở hạ tầng, nhà nước không phải đầu tư.

Yên Bái cũng làm tương tự như vây. Yên Bái đã đi vào chiều sâu thực hiện tăng cường chất lượng, mọi người dân cảm nhận thấy cần đến Trung tâm Y tế dự phòng hơn.

B. NHÀ BÁO LÊ CẢNH NHẠC, PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DÂN SỐ KHHGĐ TRẢ LỜI BẠN ĐỌC

Tôi nghe nói chủ trương chung về công tác dân số từ nay không xử phạt nếu sinh con thứ 3, nhưng đảng viên gương mẫu về công tác dân số, xin giải thích về “gương mẫu” cụ thể là gì, vì người dân, quần chúng cũng cần biết để tham gia giám sát?.

Phạm Danh, Hà Nội

Công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động xã hội rộng lớn. Pháp luật không quy định chế tài xử phạt trong sinh con. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động về kế hoạch hóa gia đình, nhiều địa phương đã đưa nội dung này vào hương ước, quy ước, thỏa ước tập thể, thông qua Hội đồng nhân dân. Đối với đảng viên thì chấp hành kỷ luật của Đảng.

Chủ trương chung về công tác dân số trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 21 về công tác dân số là vẫn “tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, chưa khuyến khích sinh con thứ 3. Là đảng viên phải chấp hành kỷ luật của Đảng. Hiện nay, chưa có quy định mới nên nếu đảng viên con thứ 3 (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), vẫn bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Như tôi được biết, mục tiêu 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất vào năm 2030. Vậy hiện tại, chúng ta đã thực hiện tầm soát bệnh bẩm sinh cho sơ sinh chưa?. Nếu có, đã thực hiện tại các bệnh viện nào?. Việc này có thể thực hiện tại các vùng nông thôn, vùng xa không?.

Kim Oanh, Hà Nội

 

Chúng ta đã thực hiện sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện và điều trị sớm đối với một số bệnh rối loạn liên quan đến nội tiết – chuyển hóa – di truyền như thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh…

Hiện nay, chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh được thực hiện tại các trung tâm sàng lọc khu vực thuộc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Trường đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ, Bệnh viện chuyên khoa và các cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép thực hiện.

Các hoạt động sàng lọc sơ sinh đã triển khai tại 63/63 tỉnh/thành phố: sàng lọc trước sinh được triển khai đến tuyến huyện; sàng lọc sơ sinh được triển khai đến tuyến xã. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tổ chức tầm soát các bệnh bẩm sinh cho trẻ sơ sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Chúng ta đã nhận ra một số hạn chế, trong đó: “Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả”. Vậy, tới đây, địa phương nào lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ về công tác dân số tại địa phương có phải chịu trách nhiệm không? Nếu có, cụ thể là gì? Có thôi chức không?.

Trần Đăng, Hà Nội

 

Câu hỏi của bạn thực chất đã bao hàm cả nội dung trả lời. Giao nhiệm vụ cho ai thì người đó phải chịu trách nhiệm, còn xử lý kỷ luật ở mức nào thì phải căn cứ vào mức độ không hoàn thành nhiệm vụ về công tác dân số mới có thể xem xét, đánh giá được.

Điều 26 của Quy định 181/QĐT.Ư ngày 30.3.2013 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định việc xử lý vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình nêu rõ: “Đảng viên vi phạm trong trường hợp sinh con thứ 3 (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách”.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật không có chế tài xử lý khi vi phạm chính sách dân số về sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân là phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Do đó, cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách dân số.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Cháu năm nay học lớp 12, sắp thi ĐH hoặc học nghề. Bác có thể giải đáp giúp, có ngành nghề nào không được tuyển dụng nữ hoặc không được tuyển dụng nam giới vào làm việc không?. Nếu có, như vậy có là mất bình đẳng giới không?. Cháu xin cảm ơn!

Kim Hải, Hải Phòng

Theo Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18.10.2013 của Bộ LĐ-TB-XH, ngoài 38 công việc không được sử dụng lao động nữ nói chung theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 điều 160 bộ luật Lao động năm 2012, còn có 39 công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi phụ nữ, luật pháp quy định 77 công việc không được sử dụng lao động nữ. Vấn đề này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Còn đối với nam giới nói chung, tôi chưa thấy có các quy định cụ thể này. (Bạn tham khảo Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB-XH).

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Cảm ơn chuyên gia! Xin cho biết, lâu nay kế hoạch hóa gia đình, tránh thai thường được chú trọng với phụ nữ, coi như đó là công việc của nữ giới, các dịch vụ công tác truyền thông thời gian tới đây có quan tâm đến nam giới để tạo cho họ trách nhiệm hơn trong việc chia sẻ về “kế hoạch” không?.

Minh Anh, Hà Nội

 

Điều bạn nói hoàn toàn chính xác. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn luôn vận động nam giới có trách nhiệm trong kế hoạch hóa gia đình, nhưng trong thực tế, vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề bất bình đẳng giới và ý thức của nam giới chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này.

Trong chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường vai trò của nam giới.

Thứ nhất, về truyền thông giáo dục: sản xuất các thông điệp và truyền thông mẫu để truyền thông về bình đẳng giới, tăng cường vai trò của nam giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thứ hai, về cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình: khuyến khích nam giới thực hiện các biện pháp tránh thai như triệt sản nam, đặc biệt là sử dụng bao cao su nam. Tỷ lệ sử dụng bao cao su nam đã tăng từ 7,1 % năm 1996 tăng lên 9,7 % vào năm 2005 và đạt mức 15,3 % vào năm 2016; tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Hàng năm, có khoảng gần 2 triệu nam giới sử dụng bao cao su nam cho mục đích kế hoạch hóa gia đình.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Trong nghị quyết 21 Hội nghị T.Ư 6 khóa 12 chúng tôi nghiên cứu có thấy 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc. Xin cho biết thông tin cơ bản về hệ thống này?. Khi nào chúng ta hoàn thành? Người dân sẽ được những thuận lợi nào sau khi thực hiện?.

Quốc Hoàn, Bình Dương

 

Câu hỏi của bạn đề cập đến một vấn đề rất thời sự hiện nay. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo quy định của luật Căn cước công dân (Luật số 59/2014/QH13 ngày 20.11.2014), Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý.

Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu; họ, chữ đệm và tên; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

Thông tin của công dân được thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư từ tàng thư; cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cư trú, hộ tịch; cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác và thu thập, cập nhật từ công dân. Số định danh cá nhân là khóa chính dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Hệ thống này được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.

Hiện tại, Bộ Công an đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống và theo Nghị quyết số 21, đến năm 2030, mục tiêu là 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân sẽ có một mã số định danh (Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác) trong thẻ căn cước. Người dân được quyền khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc này sẽ góp phần giải quyết thủ tục hành chính và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác, xóa bỏ tình trạng công dân phải sử dụng nhiều loại giấy tờ; góp phần đẩy mạnh dịch công trực tuyến tại các bộ ngành, địa phương và tiến tới xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Thưa chuyên gia, xin cho biết chủ doanh nghiệp yêu cầu nữ vào công tác phải 2 – 3 năm sau mới được sinh con để không ảnh hưởng đến công việc, như vậy đúng không?. Nếu không đúng, chủ doanh nghiệp có bị xử phạt không?.

Kim Oanh, Hưng Yên

Luật Bình đẳng giới quy định nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả về sự phát triển đó.

Đối với việc bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, điều 13 của luật quy định: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các việc làm khác”.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận sau 2 – 3 năm làm việc mới được sinh con thể hiện trong hợp đồng lao động và nếu bạn là người tự nguyện ký kết, cam kết thực hiện thì pháp luật khó can thiệp, xử lý.

 

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Tôi thấy nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng, Bộ Y tế cũng thông tin “Dân số Việt Nam chưa giàu đã già”. Vậy, chúng ta có các chính sách y tế “ứng phó” như thế nào để đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là việc thích ứng với già hóa dân số?.

Quang Bình, TP.HCM

 

Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số (dân số đang già) từ năm 2011 và có khoảng 2 thập kỷ để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn dân số già. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở vật chất và các điều kiện kinh tế – xã hội chưa được chuẩn bị. Cụ thể là quy hoạch, thiết kế xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các nhà dưỡng lão…

Ngày 30.12.2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025, với mục tiêu: đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản; Chiến lược quốc gia bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, chúng ta còn phải xây dựng môi trường phù hợp với người cao tuổi, chuẩn bị các điều kiện về an sinh xã hội, đáp ứng được yêu cầu trong tương lai gần trong chăm sóc và phát huy người cao tuổi khi bước vào giai đoạn dân số già.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

“Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng”, đúng là có thực tế nhiều vùng còn sinh nhiều con, nhưng trong đó, có lý do sinh cố để có con trai. Vậy làm cách nào để đạt được mục tiêu nêu trên và làm thế nào để các gia đình không còn mang nặng tâm lý ưa thích và phải tìm mọi cách để sinh con trai?.

Công Hà, Bắc Ninh

Để đạt mục tiêu trên, cần có các giải pháp đồng bộ như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về công tác dân số; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình…

Bên cạnh đó, để giảm chênh lệch mức sinh, cần chú trọng cả hai chiều: giảm sinh ở vùng mức sinh cao và tăng sinh ở vùng mức sinh thấp. Còn làm sao để người dân không còn mang nặng tâm lý ưa thích và tìm mọi cách để sinh con trai thì công tác truyền thông giáo dục, vận động là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó, thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Hiện nay, tuổi thọ và thời gian sống khỏe mạnh của chúng ta đang đạt mức nào, thưa ông?.

Như Thảo

 

Hiện nay, tuổi thọ bình quân của Việt Nam là 73,4 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.

Để nâng cao tuổi thọ và thời gian sống khỏe mạnh của người dân, cần có tầm nhìn dài hạn, bao quát, không chỉ bằng những kế hoạch, chính sách ngắn hạn và những can thiệp riêng đối với người cao tuổi. Để có được tuổi già khỏe mạnh, con người cần được đảm bảo sức khỏe trong suốt vòng đời từ trước khi sinh ra cho đến khi về già. Đặc biệt, cần chuẩn bị điều kiện tốt trước khi trở thành người cao tuổi.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Tôi rất tâm đắc với nội dung “Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao… nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của nhân dân”. Thực tế, các khu dân cư giờ đây chỉ lo bãi đỗ ô tô, khu thương mại kinh doanh mà rất thiếu khu vực chung cho cộng đồng có thể vui chơi, vận động lành mạnh. Xin cho biết rõ hơn về chủ trương này và Bộ Y tế đã có hướng thực hiện như thế nào?.

Khuất Hải, TP.HCM

Vấn đề quy hoạch, cấp phép xây dựng khu vực chung cho sinh hoạt, nâng cao chất lượng sống của nhân dân liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Ghi nhận ý kiến của bạn, trong dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, chúng tôi sẽ đề nghị đưa vào nội dung “phải có tiêu chí về khu vui chơi vận động, thể dục thể thao,… góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân khi xây dựng và cấp phép xây dựng các khu dân cư”.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Chúng ta đã có đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, xin cho biết kết quả của đề án này?. Việc can thiệp cần được thực hiện thông qua những chương trình/hoạt động nào để thực sự đạt được kết quả lâu dài?.

Nguyễn Hà, TP. Vũng Tàu

Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 28.4.2011, có tổng mức kinh phí dự kiến hơn 6.000 tỉ đồng. Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (cơ quan thường trực Đề án) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và phê duyệt các chương trình thành phần của đề án.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, sau 5 năm, các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trông chờ T.Ư; trông chờ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa cụ thể hóa về lộ trình dài hạn, trung hạn, ngắn hạn phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Đề án liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương nên những chương trình hoạt động rất rộng, không thể đề cập hết. Riêng Bộ Y tế chịu trách nhiệm thực hiện Chương trình “Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam” và Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”. Cả hai chương trình này đang được triển khai tích cực.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. Xin cho biết, đó là những loại bệnh nào? Nguồn kinh phí chi trả từ đâu? Vì sao phải đến năm 2030 mà ngành y tế không ưu tiên thực hiện sớm hơn, vì nếu tầm soát được sớm sẽ giúp nâng chất lượng dân số, chất lượng giống nòi?.

Đức Hải, TP.HCM

Hiện nay, phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh), bước đầu ưu tiên 2 loại  bệnh, tật có tỷ lệ mắc cao và có thể can thiệp được là hội chứng Down và dị tật ống thần kinh. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất là hội chứng Down, bệnh thalassemia, dị tật ống thần kinh, dị tật thành bụng.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) trả lời câu hỏi của bạn đọc Ảnh Ngọc ThắngVề nguồn kinh phí chi trả, theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31.7.2017 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016 – 2020, thì các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống tại vùng có nguy cơ cao, vùng nhiễm chất độc Dioxin sẽ do nhà nước chi trả. Còn những ai không thuộc các đối tượng trên sẽ tự chi trả. Trước năm 2006, khi chưa đạt mức sinh thay thế, công tác dân số tập trung vào mục tiêu giảm sinh. Sau khi đã đạt mức sinh thay thế, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số mới được chú trọng, mà trọng tâm là tăng tỷ lệ bà mẹ có thai được sàng lọc trước sinh (mục tiêu đạt 50% vào năm 2020).

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới của Việt Nam, cho nên, trước tiên cần truyền thông, vận động, tư vấn để người dân nhận thức được và tự nguyện tham gia dịch vụ này. Bên cạnh đó, cần đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; đầu tư trang thiết bị triển khai kỹ thuật sàng lọc; phát triển các trung tâm sàng lọc khu vực và hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động này. Chính vì vậy, mới đề ra mục tiêu đến năm 2030 tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh cho 70% phụ nữ mang thai.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Không hạn chế số con của mỗi cặp vợ chồng, không xử phạt khi sinh từ 3 con trở lên, vậy có lo ngại dân số sẽ tăng không kiểm soát không?

Hoàng Hiếu

Pháp luật không xử phạt nhưng tinh thần Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.

Với tinh thần đó và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ kiểm soát được mức tăng dân số để đạt mục tiêu quy mô dân số 104 triệu người vào năm 2030.

 

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

“Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên”, vậy tình trạng này sẽ được khắc phục như thế nào?. Ngay cả đảng viên cũng vẫn rất muốn có con trai, sinh con thứ 3 để cố có con trai, thì mất cân bằng giới tính có thể giảm được hay không?

Vũ Minh, Hải Dương

Ngày 23.3.2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025, đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Một trong số các giải pháp đó là nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; từng bước xóa bỏ tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam khinh nữ.

Tôi tin chắc đến năm 2030, mục tiêu đưa tỷ lệ giới tính khi sinh 112,3 trẻ em trai/100 trẻ em gái hiện nay xuống gần mức cân bằng sinh học tự nhiên (dưới 109 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống) là khả thi.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Tôi là giáo viên THCS. Xin cho biết ngành dân số, y tế có kế hoạch cụ thể nào để đạt được mục tiêu giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn đến 2030?. Để giảm được thì phải nắm chắc được thực trạng, vậy hàng năm có bao nhiêu trường hợp mang thai ngoài ý muốn? Biện pháp can thiệp nào để đạt được kết quả như mong muốn?.

Một giáo viên tại Hà Tĩnh

 

Tại Việt Nam, theo thống kê, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể con số ở các cơ sở y tế tư nhân, bởi nhiều trẻ vị thành niên với tâm lý e ngại nên không dám đến các cơ sở y tế công.

Vì thế, thực tế con số mang thai và nạo phá thai ở trẻ vị thành niên tại Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều.

Giải pháp quan trọng là giáo dục giới tính và cho trẻ biết những nguy cơ có thể xảy ra nếu có thai và những hệ lụy do phá thai không an toàn. Bên cạnh đó, cần cung cấp và hướng dẫn sử dụng các phương pháp tránh thai cho các em.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Chào khách mời.Tôi là người dân sống tại Hà Nội. Tôi thấy, ngay tại Thủ đô, vẫn nhiều đảng viên sinh con thứ 3 để có con trai; còn ngoại thành không ít gia đình đẻ nhiều con 4 – 5 – 7 con, dù hoàn cảnh họ nghèo túng. Như vậy có đúng với chủ trương về chính sách dân số của Đảng ta không? Nếu không đúng, lãnh đạo cấp nào chịu trách nhiệm về thực tế đó? Xin cảm ơn và mong được giải đáp thỏa đáng!

Hữu Minh, Hà Nội

Điều mà bạn nói ở trên không đúng với chính sách dân số hiện nay, vì Nghị quyết 21 về Công tác dân số trong tình hình mới của Ban chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 6, khóa 12 đã chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”.

Một trong những hạn chế của công tác dân số trong thời gian qua là người ít có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con cái còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số; công tác truyền thông về giáo dục dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao.

Những hạn chế, yếu kém trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; đặc biệt là một số cấp ủy chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất khó khăn phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả.

Còn ai phải chịu trách nhiệm về thực tế nêu trên thì Nghị quyết 21 đã chỉ rõ: “Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số”; “Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp”; “Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp; đặc biệt là trong việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động về công tác dân số…”.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

 

(Nguồn: thanhnien.vn)