Bộ trưởng Y tế với giải pháp‘ba chân kiềng’

TIN LIÊN QUAN

Bộ trưởng Y tế

với giải pháp‘ba chân kiềng’

Sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội.Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có hơn 10 phút giải trình thêm trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV về một số vấn đề về ngành y tế mà các đại biểu quan tâm.Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu ra nhiều điểm đạt được cũng như hạn chế, giải pháp sắp tới của ngành y tế.
Sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội.Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có hơn 10 phút giải trình thêm trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV về một số vấn đề về ngành y tế mà các đại biểu quan tâm.Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu ra nhiều điểm đạt được cũng như hạn chế, giải pháp sắp tới của ngành y tế.

Quyết liệt cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện

Nói về chất lượng khám chữa bệnh, y tế cơ sở, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, với nỗ lực toàn ngành, lĩnh vực này vừa qua đã được cải thiện rõ nét và đích cuối cùng là chỉ số hài lòng về dịch vụ. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số hài lòng về dịch vụ hiện là 70% và một khảo sát độc lập khác cho thấy, tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú là 80%.

Tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đã có 37/39 bệnh viện đã có giảm tải, không còn nằm ghép trong 24 giờ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, sáng 27/10/2018. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, trong thời gian qua ngành y tế đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong khám chữa bệnh để người dân được thụ hưởng, những kỹ thuật mang tầm quốc tế. Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trên đã chuyển giao những kỹ thuật này cho tuyến tỉnh như mổ can thiệp tim mạch, nội soi xuống tuyến tỉnh, kể cả vùng miền núi và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có thể làm các kỹ thuật cao, thậm chí thụ tinh nhân tạo, mổ tim hở và có bệnh viện tỉnh đã ghép tạng.

Theo bà Tiến, để nâng cao chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế đã ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức đánh giá độc lập, chấm điểm, phân hạng bệnh viện theo kết quả chấm điểm đó một cách độc lập. Các bệnh viện được chấm điểm và thông tin công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin truyền thông và thực hiện ở hầu hết bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

Bệnh viện nào để nhà tiêu, nhà vệ sinh bẩn giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào để nhà vệ sinh bẩn, không có labo rửa tay thì trưởng khoa đó ở bẩn. (Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.)

Thời gian qua, nhiều bệnh viện lớn, đặc biệt ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến Trung ương đã xây dựng xây mới, sửa chữa, nâng cấp rất nhiều tạo nên bộ mặt bệnh viện khang trang, xanh sạch đẹp, đề án đổi mới toàn bộ phong cách hướng tới sự hài lòng của người bệnh được triển khai trong toàn ngành.

Về vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện, người đứng đầu ngành y tế cho hay: “Ngành y tế đã có tiêu chuẩn, tổ chức ngày nhà vệ sinh bệnh viện và rất quyết liệt làm vấn đề này, vấn đề rửa tay trong bệnh viện. Những chi tiết nhỏ nhưng lại quyết định chất lượng. Nếu bệnh viện nào để nhà tiêu, nhà vệ sinh bẩn giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào để nhà vệ sinh bẩn, không có labo rửa tay thì trưởng khoa đó ở bẩn.”

Xử lý kỷ luật 10.000 cán bộ

Bộ trưởng Tiến cho hay, thông qua đường dây nóng, ngành y tế đã xử lý kỷ luật khoảng 10.000 cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến xã, tuyến Trung ương với nhiều hình thức kỷ luật, thậm chí là nghỉ việc, chuyển việc. Những biện pháp quyết liệt nữa như lắp camera tại các khoa phòng như khoa khám bệnh và các nơi xảy ra các vấn đề

“Một điểm nữa nâng cao chất lượng đó là vấn đề cơ bản đó là giải pháp đổi mới cơ chế tài chính tiến tới tính đúng, tính đủ đưa cả chi phí tiền lương vào chi phí giá dịch vụ y tế. Điều này giúp cho chất lượng khám chữa bệnh tăng, để tái đầu tư, giảm bớt ngân sách và nâng cao chất lượng bệnh viện tốt, thu hút người dân tham gia bảo hiểm và tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm trong thời gian qua vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao,” Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường xã hội hóa, kết hợp công tư, khuyến khích các bệnh viện tư nhân tạo điều kiện để người dân có nhiều hình thức lựa chọn cho người dân, giảm bớt quá tải ở bệnh viện công.

Thông qua đường dây nóng, ngành y tế đã xử lý kỷ luật khoảng 10.000 cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến xã, tuyến Trung ương với nhiều hình thức kỷ luật, thậm chí là nghỉ việc, chuyển việc.

Một đề án thời gian qua cũng được Bộ Y tế tiến hành hiệu quả đó là đề án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau khi tốt nghiệp đào tạo luân phiên từ 1-2 năm xung phong lên các bệnh viện ở 62 huyện nghèo, với bác sỹ nam công tác 3 năm và bác sỹ nữ công tác 2 năm. Kết quả của đề án này được các huyện miền núi đánh giá cao vì góp phần giải quyết được nhiều khó khăn về nhân lực chất lượng cao ở các vùng khó khăn ở 62 huyện nghèo.

Bà Tiến cho hay, thực hiện Nghị Quyết 68 của Quốc hội về tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã tham mưu và chính phủ đã ra Nghị quyết, Quyết định 2348 để tăng cường y tế cơ sở đã gần như nối mạng 100% các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và đối với trạm y tế xã quản lý sức khỏe và thực hiện mô hình bác sỹ gia đình, trước mắt là mô hình 26 trạm y tế xã điểm và kèm theo các dự án ODA đã được Chính phủ ủng hộ để tăng cường y tế cơ sở, đặc biệt ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Nhiều tiêu chí chất lượng bệnh viện đã được ban hành theo tiêu chuẩn quốc tế như hơn 7.000 quy trình chuyên môn đã được ban hành. Đó là một số kết quả cơ bản, đó chính là sự hài lòng của người bệnh trong thời gian qua được nâng lên rõ rệt. Qua khảo sát tập thể được nhân dân đánh giá cao.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Nói về những điểm hạn chế của ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, thứ nhất là vấn đề quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối ở Khoa khám bệnh có thể có những bệnh viện lên tới 5000-6.000 người. Nguyên nhân là người bệnh bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh ở tuyến trên, không tin tưởng tuyến dưới.

“Điển hình như vụ dịch tay chân miệng vừa qua, nhiều bệnh nhân mắc bệnh ở độ 1, độ 2 nên ở nhà thì cũng vào viện tuyến trên gây quá tải không cần thiết, gây nhiễm trùng chéo và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tăng nguy cơ tử vong với các bệnh nhân,” bà Tiến phân tích.

Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện nhi quá tải vì bệnh tay chân miệng

 

Bệnh viện nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh quá tải vì bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Đình Hằng/TTXVN).

Nguyên nhân được Bộ trưởng Y tế chỉ ra đó là người bệnh chưa yên tâm với cơ sở y tế tuyến dưới.

Thứ hai là chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện, chưa đảm bảo được tỷ lệ 3 điều dưỡng – 1 bác sỹ. Một bệnh nhân vào viện vẫn 3-4 người nhà vào chăm sóc, người dân vẫn phải chăm sóc chủ yếu chứ không phải bệnh viện. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó cơ chế tài chính chưa đủ chi trả cho cán bộ, nhân viên y tế.

Thứ ba, như các đại biểu Quốc hội đã nói rất nhiều, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều các miền.

Người bệnh bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh ở tuyến trên, không tin tưởng tuyến dưới.

“Những điều này như các đại biểu đã phát biểu và chúng tôi tiếp thu và trong xây dựng đề án thời gian tới để chất lượng khám chữa bệnh tại các vùng thành thị với các vùng núi vùng sâu vùng xa đã được cải thiện nhiều nhờ đề án đưa bác sỹ trẻ, bác sỹ giỏi lên tăng cường tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và vốn ODA ưu tiên cho những vùng khó khăn. Một hạn chế nữa đó là nhân lực chất lượng và số lượng chưa đảm bảo, chế độ chính sách còn khó và mô hình đào tạo hiện nay của ngành y tế còn phải cố gắng vì chưa hội nhập được, mặc dù chất lượng tốt nhưng chưa chuẩn theo quốc tế hiện nay,” Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định.

Thế ba chân kiềng phát triển ngành y tế

Về giải pháp để khắc phục những vấn đề còn tồn tại của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Ngành đang thực hiện nghiêm, quyết liệt các Nghi quyết như Nghị quyết Trung ương 20, 21, Nghị quyết 68 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ. Chúng tôi giải quyết bằng kiềng ba chân giải pháp.”

Theo bà Tiến, chân bên trái là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi đang còn khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh, vì “nếu bị nặng rồi thì chữa rất khó và vào bệnh viện rất tốn kém và nằm chữa dài.” Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu phải gắn với mô hình y học gia đình, gắn với trạm y tế xã phường và phòng khám bác sỹ gia đình.

Lễ khánh thành khu khám bệnh bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN).

“Chúng tôi đang xây dựng 26 mô hình điểm giống mô hình các nước đã phát triển, đang phát triển một cách toàn diện cả về con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nhân lực. Với các nước có thu nhập bình quân 15-17.000 USD thì họ mất 10 năm xây dựng mô hình này. Việt Nam với mức thu nhập GDP gần 2.500-3.000 USD thì chúng ta cũng sẽ cố gắng phấn đấu 10 năm, trong 5 năm tới có mô hình cơ bản và trong 20 năm nhân rộng trong toàn quốc,” bà Tiến cho hay.

Người đứng đầu ngành y tế phân tích: “Mỗi chúng ta khi bị ốm, mệt mỏi, bệnh tật và khám sàng lọc để phát hiện sớm phải đến trạm y tế xã phường, phòng khám bác sỹ gia đình đó và mọi cơ chế kết hợp công tư, xã hội hóa và chúng tôi mong Chính phủ sớm phê duyệt hai ODA xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu vùng xa. Đó là giải pháp số một chăm sóc sức khỏe người dân thông qua y tế cơ sở.”

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cái kiềng thứ hai đó là người dân khi bị bệnh, phải vào bệnh viện thì phải được chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh.

Ngành đang thực hiện nghiêm, quyết liệt các Nghi quyết như Nghị quyết Trung ương 20, 21, Nghị quyết 68 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ. Chúng tôi giải quyết bằng kiềng ba chân giải pháp. (Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến)

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo các thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe thì có thể khám, kiểm tra tại Việt Nam giống như chất lượng nước ngoài. Điều này là trong tầm tay nhưng cũng phải có chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính.

Bà Tiến đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho ngành y tế một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, giá dịch vụ, kết hợp công tư, mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay… Bởi nếu không đẩy mạnh bảo hiểm tư nhân mạnh mẽ thì với bảo hiểm y tế hiện nay với mệnh giá thấp không thể chi trả hết được.

Kiềng thứ ba được Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích không thể không có được là vấn đề nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng.

“Về nhân lực, sắp tới Quốc hội thông qua luật Giáo dục Đại học, chúng tôi đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế. Học 6 năm ra trường phải học thêm một năm nữa thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề với đánh giá của hội đồng giáo dục quốc gia độc lập. Sau đó phải học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề mới đảm bảo được chất lượng đào tạo theo mô hình của quốc tế,” bà Tiến nhấn mạnh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bình luận Facebook

Bản quyền thuộc về Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y Tế. All rights reserved - Thiết kế web giá rẻ Minh Dương
phòng marketing thuê ngoài | báo giá dịch vụ seo